hải tặc đốt rừng
Hải Tặc Đốt Rừng
( Truyện Thơ)
Xin kính dâng hương hồn những người Việt ra đi tìm tự do và đã bỏ mình hoặc mất tích trên biển đông trong thập niên 1980 và 1990.
MỞ ĐẦU
Đêm buồn kể lại chuyện xưa
Chuyện nhiều năm cũ xưa hơn đời người
Có ai còn nhớ tiếng cười
Của người dân Việt với mười vần thơ.
CHƯƠNG MỘT
Quê hương đồng nội ngày mơ
Những người con gái thẩn thơ bên đồi
Ngồi ôm gối mộng hoa trôi
Miệng cười xinh xắn mơ chàng sánh duyên.
Ngờ đâu phận bạc thuyền quyên
Giặc về thôn xóm bom xuyên mái nhà
Quê hương binh lửa mù sa
Chia sông cách núi xa lìa người thân.
Đạn thù ruột thịt chẳng phân
Nước nam xây ngục giam nhau vào tù
Ngục tù oán tận trời xanh
Tù nhân ngã gục kéo manh chiếu nằm.
Nhiều đêm nhìn ánh trăng rằm
Tự do hai chữ xích xiềng thê lương
Đành lòng đi bỏ quê hương
Một con thuyền nhỏ trôi theo sóng gào .
Thuyền nhân ra biển đêm nao
Mười phần chết chín vẫn khao khát tìm
Tìm sao cho được tự do
Dù cho đói khát sang đò tử vong.
CHƯƠNG HAI
Biển đông mây bỏ trời trong
Dập vùi bão tố thuyền mong đến bờ
Ngờ đâu hải tặc đang chờ
Mồi ngon bắt lại mịt mờ mưa rơi.
Dã man loài thú đánh hơi
Chồm lên gái Việt tả tơi áo quần
Máu rơi nhuộm đỏ nhiều lần
Thân trần tan nát nhục hình thảm thương.
Vào tay một lũ bất lương
Chúng dồn gái Việt lên bờ đảo hoang
Ban ngày cướp biển máu loang
Đêm về đốt đuốc chia nhau tìm người.
Phận người con gái trầm luân
Chịu cơn đói khát trốn vào rừng xanh
Nhưng nào thoát khỏi răng nanh
Những loài quỷ sống hung hăng sục sòi.
Tìm cho bằng được không tha
Nhẫn tâm hải tặc đốt rừng trong đêm
Thuyền nhân khủng khiếp kêu rên
Lửa rừng cháy xém áo quần thành than.
Lưng trần sẹo bỏng màu than
Mặt da hoa phấn nay đành tiêu tan
Chết đi sống lại mê man
Xác thân tiều tuỵ trong tay thú vờn.
Hoa kia tan nát tủi hờn
Oan khiên giải thoát kiếp này vong thân
Hận về theo bóng tử thần
Xin chào vĩnh biệt quê hương thuở nào.
Rủi may định mệnh không ngờ
Thuyền nhân được cứu xa rời nguy nan
Nằm trong bệnh xá tràn lan
Nhìn nhau giọt lệ pha màu máu rơi.
CHƯƠNG BA
Gặp em một buổi chiều mưa
Em ngồi giặt chiếu bên bờ giếng trong
Vết thương đau quá khóc ròng
Lệ em tuôn xuống lệ nhoà nước mưa.
Chiếu này em giặt xong chưa
Thôi đừng khóc nữa anh đưa em về
Chiều lên bệnh xá thay băng
Nếu không thì lại nhiễm trùng khổ thân.
Mắt nhung ướt đẫm lệ buồn
Tình anh thương hại chỉ làm em đau
Thật tình cũng muốn làm quen
Một người áo trắng trị thương cho mình.
Ước gì năm trước gặp anh
Lúc còn xinh lắm vẫn là trinh nguyên
Vẫn là con gái hồn nhiên
Ngoài hiên chải tóc mắt huyền ngây thơ.
Nếu mà anh gặp được em
Anh không mê đắm em đây chết liền
Vì rằng em đẹp lắm cơ
Bao người theo đuổi em lờ như không.
Giờ đây nhìn lại thân mình
Vết thương lở loét trên lưng vai gầy
Mặt hoa lồi lõm sẹo đầy
Đời em con gái còn gì đâu anh.
Tủi thân em lại khóc vùi
Lệ em ướt đẫm áo anh chiều tà
Chiều tà trên biển hoàng hôn
Bên em hồi hộp nói không nên lời.
Em ơi không biết đấy thôi
Đời anh cũng khổ lấm vương bụi trần
Xin em bỏ nỗi thương tâm
Để anh an ủi nỗi niềm đắng cay.
Ngày qua rồi lại ngày qua
Vết thương lành lại nụ cười nở hoa
Nhưng sao em vẫn u hoài
Hoàng hôn trên biển mắt buồn xa xăm.
Cùng nàng ra biển nhìn trăng
Cầm tay nói vội yêu em lâu rồi
Trăng thề em hứa một lời
Kết duyên hai đứa chúng mình thành đôi.
Tóc nàng theo gió tung bay
Mắt huyền rung động nhìn tôi không rời
Tuy em không nói ra lời
Yêu anh từ phút ban đầu gặp anh.
Nhưng anh nhìn kỹ em đi
Thân tàn ma dại còn gì cho anh
Vầng trăng soi tỏ làn mi
Anh đừng nói nữa tim em vỡ rồi.
Bây giờ đã tới giờ cơm
Để em nấu nướng món này thật ngon
Cùng em ăn bát cơm đầy
Tình ta bỏ lại đừng hoài chờ mong.
Miếng cơm tôi nuốt vội vàng
Lệ tôi tuôn xuống hoà vào bát cơm
Nhìn tôi em bỗng khóc oà
Chạy ra ngoài biển ngồi nghe sóng gào.
Biển xanh dội sóng bạc đầu
Sầu kia đợi mãi mỏi mòn cánh chim
Em thôi không nói không cười
Gặp tôi cúi mặt làm ngơ một mình.
Thế rồi một sáng bình minh
Nàng lên xe chở những người định cư
Xe lăn bánh mãi xa dần
Nhìn tôi lần cuối nghẹn ngào gọi tên.
CHƯƠNG BỐN
Nhiều năm qua thật nhiều năm
Tình người năm đó sao mà không quên
Tôi tìm khắp nẻo đông tây
Trên quê hương mới những mong gặp nàng.
Thương tâm lệ đổ hai hàng
Trở về quê cũ nhớ người năm xưa
Tình tôi áo trắng đem về
Mong rằng xoa dịu phần nào khổ đau.
Hành lang bệnh viện nắng chiều
Ngồi trên ghế đá nhìn mây chân trời
Tôi xin khấn nguyện trời cao
Cho tôi gặp lại dù là một giây
Quê tôi nắng bụi mịt mờ
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm
Cầu trời không phụ lòng thành
Cho tôi gặp lại người tình ngày xưa.
CHƯƠNG NĂM
Trở về Đà Lạt ngàn thông
Tuyền Lâm lễ Phật chuông chùa giải oan
Tình tôi trôi nổi đa đoan
Bóng chiều phản chiếu sầu loang mặt hồ.
Bỗng đâu trong phút tình cờ
Giọng người tình cũ gió chiều thoảng qua
Quay nhìn tôi nhận ra ngay
Người xưa trước mắt sững sờ nhìn nhau.
Lệ nàng tuôn xuống như mưa
Nắm tay tôi chặt nhìn tôi không rời
Trời thương em thật anh ơi
Cho em gặp lại người thương suốt đời.
Nhìn nhau nói chẳng nên lời
Cầm tay nàng hỏi sao về nơi đây
Tìm em mấy chục năm trời
Năm xưa sao nỡ đành lòng bỏ anh.
Nãy giờ nói chuyện em quên
Đây là con gái của em theo về
Nó về chăm sóc cho em
Đời em đoạn cuối không còn bao lâu.
Người con gái trẻ thật xinh
Nhưng sao buồn thảm bờ mi giống nàng
Nhìn tôi buột miệng nói rằng
Bác ơi ! bác giống trong hình quá đi
Tấm hình bác chụp năm xưa
Ngồi cùng mẹ cháu bên bờ biển xanh
Tấm hình mẹ giữ không rời
Bao năm hình cũ vẫn mang theo mình.
CHƯƠNG SÁU
Nàng mời tôi một bữa cơm
Giống như năm cũ bát cơm xới đầy
Nhìn cơm nước mắt tôi rơi
Nhạt nhoà như thể cơm nàng ngày xưa.
Ban chiều chưa kịp hỏi em
Sao em lại nói đời em ngắn dài
Thở dài nàng bỗng lặng yên
Nhìn tôi không nói mắt huyền thẳm sâu.
Mặt nàng trông thật xanh sao
Thân gầy liễu đổ bên bờ hồ xưa
Hồi lâu nàng nói với tôi
Bệnh em chỉ đếm từng ngày ra đi.
Ngày xưa em trốn anh đi
Nhưng lòng vẫn muốn gặp anh mỗi ngày
Xin anh tha thứ lỗi này
Yêu anh tha thiết mà không nhận lời.
Lòng em lúc đó rối bời
Con tim tuyệt vọng chơi vơi một mình
Để rồi tiếc nuối tình anh
Đời em rẽ lối bẽ bàng tuổi xuân.
Lần này từ giã anh yêu
Xin chôn em xuống đồi thông gió nhiều
Đời em trước lúc ra đi
Người yêu gặp lại tâm em thanh bình.
CHƯƠNG BẢY
Hôn em lần cuối tạ từ
Bờ môi giá lạnh gượng cười nhìn anh
Một lời trăn trối anh yêu
Yêu anh từ thuở bên bờ giếng trong.
Chiều nay nắng khuất mây tầng
Xe tang ra mộ tiễn người tôi yêu
Đồi thông gieo gió vẫn nhiều
Thiên thu hẹn xuống tuyền đài gặp nhau.
Sang xuân mỗi độ xuân về
Tôi về đồi cũ thăm mồ người yêu
Đồi thông xanh thẳm vẫn xanh
Nhìn làn mây trắng nàng cười với tôi.
Bó hoa thật trắng cầm tay
Đặt lên mộ vắng xin về thăm em
Khi em còn ở dương trần
Yêu em thuở đó chưa hề tặng hoa.
ĐOẠN KẾT
Một làn gió nhẹ thổi qua
Tiếng chân chậm bước tôi nghe thật gần
Quay lưng tôi bỗng giật mình
Trong tay áo trắng nàng cười với tôi.
Bác ơi bác nhớ cháu không?
Về đây thăm mẹ gặp người mẹ thương
Cháu có đem theo tấm hình
Để trao lại bác mẹ thương nhớ hoài.
Thì ra con gái của nàng
Giống ơi là giống giọng cười ngày xưa
Ngập ngừng tôi vội hỏi tên
Mẹ cháu đặt là Trần Thị Tâm Anh
Là tên bác đấy! Bác ơi
Trối lời mẹ còn nói lại với con
Chữ Tâm có nghĩa là tim
Con về gặp bác nhận làm cha nuôi.
Con thay mẹ đón cha về
Tuổi già trông đợi một mình con thôi
Cô đơn chẳng có một ai
Trọn đời nhớ mẹ lang thang một mình.
Trời xanh sao mắt tôi mờ
Mi tôi lệ nhỏ lệ nhoà lệ rơi
Một lời anh cảm ơn em
Chúc em dưới cõi lâm tuyền yên vui.
Triệu Nguyên Tâm
Note:
This poem is dedicated to thousands and thousands Vietnamese refugees who perished in the sea during their plight to seek freedom with their often fragile and small boats in the 80s and 90s. It is also dedicated to the children and grandchildren of these refugees who are living in almost every country of the world.
This poem story is based on a true event which happened in 1980. The real photos were provided by a French doctor who volunteered for medical services at a refugee camp in Thailand. The camp was organized by UN HCR ( United Nations High Commission on Refugees ) to receive these refugees .
The photos in the documents showed refugees with third degree burns on their faces and bodies . Many of them died because of hunger or were killed by pirates who imprisoned them in this uninhabitable small island.
Triệu Nguyên Tâm
Đà Lạt. Winter 2009.