sự khác biệt hoàng nhạn gia lai và hoàng nhạn campuchia
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HOÀNG NHẠN CAMPUCHIA _ HOÀNG NHẠN GIA LAI.
Thời gian qua mình thấy khắp các hội nhóm Hoàng Nhạn tháng 8 cứ bàn tán về chuyện Hoàng Nhạn Campuchia và Hoàng Nhạn Gia Lai.
Thực ra mình đã xem rất nhiều những ý kiến của các bạn chơi nói về dòng lan này, nhưng đa số mình thấy chưa có ai đủ hiểu và cũng chẳng biết gì về nó, toàn kiểu tào lao thiên đế.
Mình là người sống tại Gia Lai, và mình tin rằng các bác chơi Nhạn ở khu vực Gia Lai họ thừa sức có kinh nghiệm để nhận dạng Hoàng Nhạn 2 vùng miền này, chẳng qua họ dấu nghề hoặc họ không có nhiều thời gian để ghi chép tận tình chỉ cho các bạn.
Nhằm giải toả thắc mắc đó hôm nay mình dành một chút thời gian nói về vấn đề này xin đóng góp chút ý kiến và đóng góp chút hiểu biết riêng của mình nhằm giúp những bạn mới vào chơi có thể có một lập trường đúng đắn.
Như ta đã thấy bằng mắt thường thực ra Hoàng Nhạn Cam hay Hoàng Nhạn Gia Lai đều có một điểm chung là cây, lá, hoa gần như giống nhau hoàn toàn. Nếu xét về mặt đam mê thì Hoàng Nhạn cả 2 vùng miền này đều rất đáng chơi.
Điều mà chúng ta trăn trở là tại sao giá trị Hoàng Nhạn Gia Lai lại cao hơn giá trị Hoàng Nhạn Campuchia, hay nói đúng hơn là Hoàng Nhạn Gia Lai được người chơi sưu tầm nhiều hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhạn Cam nhiều nên rẻ, nhạn Gia Lai ít nên đắt ! Hoàn toàn không phải đâu nhé, nhiều hay ít gì đều do con người nuôi và gây dựng ra được cả.
Để hiểu rõ vấn đề này trước tiên chúng ta cần phân biệt được đâu là Hoàng Nhạn Gia Lai và đâu là Hoàng Nhạn Cam.
Để nhận biết nhạn Cam hay nhạn Gia Lai cũng cần phải trải qua khá nhiều thời gian mới nắm hết đấy nhé. Cơ bản vẫn là nhìn vào thân và lá.
Nếu nói về cây chưa thuần chậu, mới bóc về, cây tầm 4 cặp lá, 5 cặp lá đổ lại thì sự nhận biết nó cũng khó hơn và cần xem sờ tận tay tỉ mỉ hơn.
Còn xét về cây đã đưa về thuần chậu Hoàng Nhạn Campuchia màu lá bao giờ cũng đậm hơn, cứng hơn nhạn Gia Lai. Nhạn Gia Lai màu lá tươi và sáng, nhìn màu xanh nó nhẹ nhàng, cảm giác lá nó mềm mại hơn.
Tiếp theo Nhạn Cam thường lá xen lá, ít khi có lá tách lá, cũng có chứ không phải là không có, nhưng chỉ số ít và đa số những cây này thì nó mọc ở chỗ râm mát. riêng nhạn Gia Lai hầu như là lá tách lá.
Nhạn Gia Lai càng nuôi lớn bao nhiêu thân lá càng nở và càng to ra, còn với nhạn Cam càng nuôi thân càng vót và rắn nhỏ.
Đa số nhạn cam lên tầm cao 60cm là thân cong vẹo dù mình nắn nó vẫn khó đứng như thân cau. Còn nhạn Gia Lai thì mình nắn thẳng tắp được.
Riêng nhạn Campuchia bóc rừng về thuần thì hầu như rụng hết lá chân, tỷ lệ nói giữ được bộ lá chân rất hiếm và hầu như chưa gặp. Nó rụng ít nhất cũng phải 3 cặp lá chân rồi mới nhú rễ. ( Bởi nó đang ở vùng khắc nghiệt mà đem về khí hậu mát hơn thì nó sẽ cần ăn dinh dưỡng mạnh hơn, trong khi đó mới bóc về rễ chưa có bắt buộc nó phải tự nó cứu nó, nếu cây nhỏ thì còn đỡ chứ cây càng to bắt buộc phải rụng lá chân càng nhiều để nó đẩy dinh dưỡng nuôi cây.)
Riêng về phân biệt mùi thì khó hơn, nhưng nếu người chơi sành họ biết mùi nhạn gia lai nó có điểm khác. Với lại riêng nhạn Campuchia chỉ có mùi khi trời nắng. Còn nhạn Gia Lai cả nắng mưa, kể cả ban đêm vẫn toả mùi thơm ngất ngây.
Nhiều người bảo rừng Gia Lai và rừng Cam gần nhau nên nhạn giống nhau, cái này hoàn toàn sai nhé.
Riêng về khí hậu 2 nơi này dù là sát nhau nhưng khí hậu chênh nhau tới 9 độ đấy.
So với mặt nước biển thì Gia Lai nằm trên đồi còn Campuchia nằm dưới lòng chảo. Khí hậu nó khắc nghiệt quanh năm. Cho nên ở nước Cam rất là nóng.
Còn có người hỏi tại sao nhạn Cam về nuôi vài năm là thành Nhạn Gia Lai. Cái này có nhé, nhưng phải hiểu rõ là những cây nào được bóc từ rừng Campuchia về thì nó mãi mãi không thể thành nhạn Gia Lai được, nuôi kiểu gì thì cũng không thể thay đổi được cấu trúc thân lá nó. Nhưng khi nó đẻ cây con ở môi trường khí hậu Gia Lai, được chăm sóc và thuần ở môi trường Gia Lai thì cây đó vẫn được gọi là Hoàng Nhạn Gia Lai.
Qua đây mọi người sẽ tự đánh giá vì sao Hoàng Nhạn Gia Lai vẫn được ưu tiên hơn.
Nếu các bạn ủng hộ bài viết này mình sẽ có một bài viết nói về dòng nhạn gieo hạt, cấy mô và nhạn 4N để các bạn hiểu thêm. Chúc các bạn thoả sức với đam mê.
Đó là những yếu tố cơ bản để chúng ta nhận biết sự khác biệt, tất nhiên bên cạnh những yếu tố đó chúng ta cũng phải kèm theo sự từng trải mới có được sự phân biệt chính xác.
Rất mong nhận được thêm sự bổ sung ý kiến từ những bác có thâm niên trong lĩnh vực Hoàng Nhạn để chúng ta hoàn thiện cách nhận biết cho nó chuẩn hơn và dễ dàng hơn.
(Quang Sáng ngày 06/10/2021)