nhận định thơ phan ni tấn
““ Đâu có riêng gì PNT, đã rất nhiều người viết về quê hương. Cũng như tình yêu đôi lứa, nguồn thơ ấy chẳng bao giờ cạn. Tuổi đời càng chồng chất, tình quê càng đậm đà. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt. Cũng là nói về quê hương vậy, thế nhưng ở PNT, quê hương nghe vẫn cận kề gần gũi hơn, đằm thắm thiết tha hơn, chỉ vì tiếng thơ PNT, tự khởi đầu, đã là tiếng thơ về nguồn, là tiếng suối nguồn róc rách, tiếng sông hiền hòa xuôi chảy qua những miền đất nước, thấm vào từng mạch đất quê hương...
. . . . .
Đọc PNT, có lúc thấy quê hương hiện ra trước mắt thật gần gũi, thấy quê hương bàng bạc, ẩn hiện trong mỗi dòng chữ, mỗi trang thơ. Đọc PNT, ta nghe những tình tự dân tộc như con nước tràn về, như sóng vỗ miên man, như đồng lúa rì rào, như điệu hò văng vẳng, như sáo diều dìu dặt, như bản đàn réo rắt, như lời ru êm của mẹ ngọt ngào... Tất cả những thanh âm quyện lẫn vào nhau mà ta nghe được trong thơ chính là lời đồng vọng mênh mang tưởng là xa xăm mà thật gần gũi, là lời của hương đồng gió nội thổi dạt về từ chốn xa quê nhà.
Tiếng thơ PNT là tiếng lòng u uẩn, là tiếng thở dài nhè nhẹ, là mối sầu dằng dặc, là nỗi nhớ da diết không nguôi về một hình bóng xa khuất chốn quê nhà. Những hình ảnh trong thơ không nhiều lắm, có khi chỉ là con đò nhỏ, là mái chèo nhẹ khua nước đêm trăng, là chiếc cầu tre lắt lẻo, là khoảng không gian chiều tịch lặng, là bóng trăng soi mơ màng..., nhưng cũng đủ làm người đọc chạnh lòng, cũng đủ nhắc nhớ về nguồn cội, về một “quê hương khuất bóng hoàng hôn...”
. . . . .
Miếng” trong thơ PNT thực ra là gì? Sao lại đeo đuổi, gắn bó với nhà thơ đến thế? Cứ xét cả về nghĩa đen nghĩa bóng, nghĩa rộng nghĩa hẹp của từng câu từng chữ trong thơ thì “miếng” đây hiểu ra chính là miếng quê hương, là nỗi niềm hoài hương PNT gửi vào trong thơ vậy. “Miếng” đây cũng là mảnh tình quê, là mảng trời quê hương, là mẩu tâm sự của kẻ xa quê. “Miếng” đây cũng là mảnh đất mảnh vườn, thửa ruộng, luống cày, liếp rau... “Miếng” đây cũng làø bụi chuối buồng cau, là bụi tre khóm trúc, là “cây đa bến cũ, con đò năm xưa” vẫn mong đợi ngày chàng trở lại... “Miếng” đây cũng là “con sông xưa, thành phố cũ”, là giếng nước bờ ao, là tiếng chày giã gạo, là cụm khói lam chiều, là cụm mây lững lờ, là đêm “trăng sáng soi liếp dừa”, là hương thơm của “lúa chín vàng đầy đồng”, là mùi ẩm mục ngai ngái của từng gốc rạ mới cắt..., là hình ảnh là âm thanh là mùi vị của cây cỏ đất trời, của hương đồng gió nội. “Miếng”, như vậy chỉ có thể phát xuất từ tình tự dân tộc, từ trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương. Từng “miếng” ấy góp lại như trò chơi ghép hình, để sau hết nhìn thấy rõ được bức tranh toàn cảnh đầy hương sắc của quê mình. ””
(Trích “Thơ PNT, thơ nguyên quán Việt Nam”, Lê Hữu)