ngũ hành sơn
NGŨ HÀNH SƠN
[Họa thơ bình nguyên]
Ai về đất Quảng ghé qua chơi
Thăm Ngũ hành sơn đẹp tuyệt vời
Linh Ứng ưu trầm đêm tĩnh mịch [1]
Huyền Không hư ảo bóng chiều trôi [2]
Sông Hàn một dãi mây khoe sắc
Núi Ngũ năm non đọ cảnh trời [3]
Vọng hải đài : nhìn ra biển đó
Hoàng -Trường thương quá Việt nam ơi !!!
Dương Lam[vophubong]
NGŨ HÀNH SƠN [bài xướng]
Ngũ Hành lôi cuốn khách sang chơi
Tạo tác thiên nhiên quá tuyệt vời
Huyền ảo chùa chiền như bức vẽ
Mênh mông hang động tựa dòng trôi
Đứng trên Vọng Hải nhìn con sóng
Ngồi dưới Thủy Sơn ngắm ánh trời
Loang loáng muôn màu giăng khắp lượt
Hài hòa tiên cảnh đẹp chơi vơi./
Binhnguyen
------------------------------
[1] CHÙA LINH ỨNG - NGŨ HÀNH SƠN
Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Ở phía Đông, có 123 bậc cấp lát bằng đá dẫn đến chùa Linh Ứng, thường được gọi là chùa Ngoài. Trước năm 1891, chùa có tên là Ứng Chân. Sách Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Đà Nẵng, 2000) cho biết vào đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) có Hòa thượng Quang Chánh, hiệu Bảo Đài đến tu tại động Tàng Chân. Ngài dựng am Dưỡng Chân, sau sửa chữa lại gọi là Dưỡng Chân đường. Đến đời Gia Long, Dưỡng Chân đường được đổi thành chùa Ứng Chân. Sau khi Vua Minh Mạng đến vãng cảnh chùa đầu tiên vào năm 1825 thì các ngôi chùa tranh tre ở đây mới được thay bằng gạch ngói. Vua đã ban cho chùa tấm biển có ghi Ngự chế Ứng Chân Tự, Minh Mạng lục niên. Đến đời Thành Thái, do kỵ húy tên một vị vua nhà Nguyễn nên chùa được đổi tên là Linh Ứng. ..
[2]động Huyền Không
Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Huyền Không là một trong những động đẹp nhất, huyền ảo nhất, có giá trị tâm linh to lớn nhất.
Động Huyền Không là một động lộ thiên, vòm hình tròn, nền bằng phẳng, trên vòm có 5 lỗ thông ra bên ngoài, ánh sáng tràn vào đây tạo một không khí huyền bí lung linh cho hang động.
Để vào được động Huyền Không phải bước xuống hơn 20 bậc cấp nằm sâu hơn động Hoa Nghiêm khoảng 5m, được ví động như chiếc chuông úp sấp, là một trong những động rộng, thoáng mát và đẹp nhất của quần thể Ngũ Hành Sơn, vòm động tiếp xúc với không gian bên ngoài, ánh sáng rọi vào làm động thêm lung linh huyền ảo. Ngày nắng, động được ví như chiếc điều hòa thiên nhiên bởi không khí mát mẻ, trong lành.
Đây là điều làm nên sự khác biệt của động Huyền Không đối với một số hang động khác ở Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng… Trong khi các nơi phần lớn là động kín, ẩm, trong động phải thắp điện hoặc khi vào phải có đèn chiếu sáng thì động Huyền Không tuy ít thạch nhũ nhưng đủ độ thoáng và ánh sáng tự nhiên.
Trên cao nhất là tượng Phật Thích Ca, bên dưới là bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên trái động có đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên), là nơi du khách đến cầu tài, cầu lộc; đền thờ bà Lồi Phi (Chúa Thượng Ngàn) được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và sự bình an.
Sâu bên phải là đền Trang Nghiêm Tự cổ kính được xây dựng năm 1825, gồm ba gian. Gian chính thờ Phật Quan Âm.
Quanh vòm động có nhiều nhiễu đá bám vào vách tạo nên những hình thù lạ, đó là khuôn mặt ông già nhìn nghiêng, là hình con chim hạc hay đà điểu, hình hai đầu voi với chiếc vòi thả xuống, là con cò cùng chiếc mỏ dài nhọn ép vào vách động…
Động không có nhiều thạch nhũ đẹp. Tuy nhiên trên vách vẫn thấy một vài hình thù lạ và hay hay. Một thạch nhủ tên Vú Mẹ trước đây nước nhiễu ẩm ướt, nhưng vì nhiều người rờ quá, nên nước bây giờ không còn ướt nhiều nữa.
Động Huyền Không đi qua cổng vòm có 3 chữ Huyền Không Quan, cửa hơi hẹp, động tối, những bậc đi xuống sâu, giữa cửa động có tượng hình ông Thiện và ông Ác, như nhắc nhở con người phải thánh thiện, từ bi khi đến cõi sắc không của Phật.
Vào trong hang có ánh sáng từ trên cao chiếu qua lỗ trống trên động, càng làm vẻ đẹp lung linh huyền bí, vòm Động cao nhủ thạch bám vào vách tạo nhiều nét đẹp thiên nhiên, và bàn tay con người tạo thêm nhiều hình đẹp như tượng Phật Quan Âm, được điêu khắc công phu trên bệ thờ.
Phía bên phải là ngôi chùa nhỏ Trang Nghiêm Tự, bên cạnh có thạch nhũ nhỏ nước tí tách, dưới nền có khối đá điêu khắc tượng của người Chàm, khung cảnh hư ảo trong hang động tạo cho du khách như sống với thế giới vừa hư vừa thật, lấy tay vỗ lên trên đá nghe như tiếng trống bình bịch.
Ngày nay Động Huyền không trở thành một điểm không thể không dừng chân cho những ai đến với Đà Nẵng, đến với Ngũ Hành Sơn. Khung cảnh nơi đây vừa hư vừa thực, một không gian mơ màng huyền bí.
[3]núi Ngũ hành sơn
Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh bậc nhất ở miền Trung xưa nay. Một huyền thoại mà ngày nay còn lưu truyền trong dân gian là: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên bãi cát, nhờ thần Kim Quy bảo vệ. Qua nhiều năm tháng hấp thụ khí âm dương, một hôm, trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời, bay thẳng về trời. Những mảnh vỏ trứng biến thành năm ngọn núi...
Vua Minh Mạng đặt tên các núi này là Ngũ Hành Sơn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.
Thủy Sơn có tên là núi Chùa hay núi Tam Thai là ngọn núi lớn nhất, cao 106m, rộng khoảng 15 hecta, có ba ngọn. Ngọn cao nhất phía Tây Bắc là Thương Thai, có các chùa Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, các hang động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Vọng Giang Đài và hành cung Động Thiên Phước Địa (nơi nghỉ ngơi của vua Minh Mạng). Trung Thai ở phía Nam thấp hơn, có hang Vân Nguyệt, các động Vân Thông, Thiên Long, hai cổng đá Động Thiên Phước Địa và Vân Căn Nguyệt Quật. Hạ Thai ở phía Đông, có chùa Linh Ứng, động Tàng Chân, 5 hang động nhỏ: Tam Thanh, Chiêm Thành (hang Hời), Bàn Cờ, hang Ráy, hang Gió, có Vọng Hải Đài, hang Ngũ Cốc (hang Lồng Đèn) và động Âm Phủ.
Du lịch Đà nẵng
Bài này đã được xem 9596 lần
|
Người đăng:
|
vophubong
|
|
|