Poem logo
Poem logo

thơ hoạ nguyễn thành sáng & tam muội (1412)

Tác giả: Nguyễn Thành Sáng
Thơ hoạ Nguyễn Thành Sáng & Tam Muội (1412)

Ngưỡng Cửa Phù Vân

Đêm nghe vi vút vẳng ngoài song
Chợt xoáy tâm tư lạnh lẽo lòng
Đông khẽ hiên thềm đang gõ cửa
Hoá miền mặn đắng vết long đong

Uống cạn tơ vò hẩm lá lay
Buồng tim nhểu nhão vợi hồn bay
Bổng trầm day dứt hoang mang khởi
Định số xuôi chi mệnh đoạ đày...

Lặng lẽ nhấp dần những áng thơ
Cảm thương rỉ rả dưới khung mờ
Bóng đời nghiệt ngã luôn phiền toái
Cát bụi tro vùi đến xác xơ

Luân hồi vạn vật lắm chênh vênh
Như lục bình trôi giữa dập dềnh
Bão nổi thuyền khơi ngàn sóng động
Lúc bầu êm ả duỗi mông mênh

Thoáng chốc vui cười, khắc lệ chan
Ánh non ửng khuyết lại phai tàn
Hoa đương hé nụ đây thành héo
Gió lộng mây chìm ải thế gian...

Thiếp vốn truân chuyên nức nở ghì
Lao đao lận đận luống sầu bi
Muốn vươn tay hái vầng trăng mộng
Lỡ dở bèo mây, hệ luỵ vì

Vô thường dẫu biết, vẫn dòng ngân
Gặp gỡ chia ly bạc kiếp phần
Dâu bể trăm năm hoài rối rắm
Lênh đênh tình ái ngưỡng phù vân.


March 17, 2019
Tam Muội

Chiếc Bóng Lang Thang

Ai thấy trăng tình mọc ở đâu
Chỉ dùm lặng lẽ dưới canh thâu
Ngắm trăng vơi nửa niềm hiu quạnh
Nửa lạc mơ màng quên đớn đau..

Bởi kẻ giờ đây đã mỏi mê
Khi lòng tha thiết ngập lê thê
Vậy mà ngang trái đành cam chịu
Nẻo vắng quanh co chẳng lối về

Thui thủi một mình những sớm hôm
Vườn khuya, thao thức, tím cung đờn
Ngân nga khuây khoả lời thương nhớ
Khoảnh khắc ru hồn thả bước chân...

Ai biết làm sao để bớt buồn
Chỉ dùm vướng víu mối tơ vương
Quấn đeo chặt cứng vào thân trái
Nhưng chẳng thể nao cạn tỏ tường

Vì cứ chập chờn, tận phía xa
Lúc hừng lấp loé, lúc tan nhoà
Đêm đông giá lạnh, mờ sương tuyết
Che phủ vật vờ ánh nhấp nha

Nên phải trầm ngâm, lởn vởn hình
Lan man trăn trở giữa niềm tin
Và bên ảo ảnh hay chìm mộng
Lạc giấc Vu Sơn, đắm bể tình...

Khiến cho canh cánh nỗi bâng khuâng
Một góc trời thu khảy tiếng đàn
Réo rắt âm vang vờn cỏ lá
Say say, nghiêng ngả bóng lang thang...


11/8/2019
Nguyễn Thành Sáng

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm