phá lỡ lối mòn luật cờ tướng
PHÁ LỠ LỐI MÒN LUẬT CỜ TƯỚNG
Một sự việc tồn tại lâu dài đều phải trải qua quá trình sơ khai chưa hoàn thiện và được lấp đầy sự hoàn thiện qua nhiều lần cải tiến, thậm chí phải tái cấu trúc lại mới hoàn toàn. Cờ là môn giải trí được phát minh từ nền văn hoá Ấn Độ cổ đại, được cải tiến dần để hoàn thiện theo thời gian. Trong quá trình phát triển môn cờ cổ đại đã có ít nhất hai lần tái cấu trúc thành cờ vua khi du nhập vào Hy Lạp và cờ tướng khi du nhập vào Trung Quốc.
Dù cùng một gốc của cờ Ấn cổ đại nhưng cờ vua thiên về tính chính trị và tính văn hoá giống như điều kiện lịch sử của Châu Âu. Hoàng hậu là quân cờ có thực quyền lớn nhất trong bàn cờ vua (có sách ghi hoàng hậu đại diện thế lực nhà thời thời trung cổ, có sách ghi đại diện cho phụ nữ), trong khi vua lại thư thả và năng động hơn tướng bị tù túng. Tính chất của cờ vua thường đan xen giữa chính trị và văn hoá lồng vào nhau, biên giới quốc gia không rõ ràng như Liên minh Châu Âu, chỉ khác nhau là đường lối chính trị đối lập giữa các đảng phái. Các thế lực đều được tạo điều kiện để phát huy hết năng lực sở trường của mình, tượng cũng như xe mà xe cũng như tượng, ngựa thì bay vù vù, thậm chí chốt giỏi cũng được thăng chức. Tính chất đảng phái để tương trợ nhau được đặt cao hơn tính kỷ luật của quân đội, ngay sau lưng của quân chốt là cả một dàn tướng lĩnh hậu thuẫn, không đơn độc và chuẩn bị tâm lý hy sinh như quân chốt trong cờ tướng.
Ngược lại, cờ tướng lại có thiên hướng mạnh về quân sự hơn tính chính trị và văn hoá. Chắc có lẽ vì thế mà tham vọng của môn cờ cũng chỉ để tướng là cao nhất mà không phải là vua. Đã đánh nhau thì phải phân biệt chiến tuyến rạch ròi, quân kỷ như sơn, lính thà chết chứ không lùi. Mỗi binh chủng phù hợp với loại địa hình khác nhau: Ngựa đánh địa hình đồi núi nhưng bị chặn là không phát huy được tác dụng, xe đánh địa hình bằng phẳng và có sức công phá lớn, tượng đảm nhận các vị trí biên phòng, còn sĩ lo khâu đảm bảo an toàn cho tướng và chốt chặn cho tướng rút lui khi nguy cấp. Thời nhà Tống, một số người chơi tự cách tân thêm vào quân pháo cuối cùng để phù hợp với binh chủng dùng máy bắn đá hoặc về sau là súng thần công, từ đó mà luật cờ tướng ổn định cho đến ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Tôi cho rằng luật cờ tướng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, cần phải cách tân để phù hợp với tư duy quân sự hiện đại. Quân xe trong cờ tướng thường được đánh giá rất cao nhưng chưa có luật đánh chặn, trong khi xe tăng hay tàu ngầm hiện nay đều có giải pháp để chế ngự. Vì vậy, luật cờ cần phải thêm vào một binh chủng để chế ngự quân xe nhưng không làm mất vai trò chủ lực của quân xe. Yêu cầu đặt ra là cách tân phải hợp lý, phản ánh được tính thực tiễn nhưng không làm gia tăng sự rườm rà của tổng thể bàn cờ.
Tôi cho rằng, quân chủng hợp lý nhất là CÔNG BINH (có thể đặt một tên khác hợp lý hơn), có thể phá đường để ngăn quân xe được. Về vị trí của quân công, có thể bỏ bớt 2 quân chốt ở biên để thay bằng hai quân công binh, vì hai chốt biên thường ít phát huy tác dụng khai cuộc mà không đánh đổi kết quả hy sinh cảm tử, điều đó rất lãng phí mà không có tính nhân đạo trong sách lược quân sự. Giữ lại 3 chốt và thêm 2 quân chủng mới không làm rườm rà thêm tổng thể bàn cờ, 5 chốt là quá thừa thải để đại diện cho một loại quân chủng, trong khi sĩ tượng xe pháo mã đều chỉ cần 2 quân đại diện là đủ. Về luật đi, quân binh không có năng lực giết bất cứ quân nào kể cả giết chốt của đối phương, còn đối phương thì bất cứ quân nào cũng giết được công binh, trừ quân xe. Nói khác hơn, quân binh làm cho cục cờ nhu mì hơn vì có thêm một chủng quân chỉ có chạy trốn mà không tham gia chiến đấu, mặc dù vậy công binh có quyền đi ngang, đi dọc nếu không bị cản như cách đi của quân xe và có tác dụng chặn hướng tiến công của quân xe đối phương.
Tính hợp lý của nó là quân công mặc dù dùng cuốc xẻng, không có sức mạnh như chốt có gươm súng, nhưng lại rất nhanh để phá đường ngăn xe. Đối phương muốn phát huy hết năng lực của xe thì phải bao vây giết công binh, nhưng nên nhớ là công binh rất nhanh nhẹn vì sở hữu cách đi của quân xe.
Nếu ai biết chơi cờ tướng thì thử lật úp hai quân cờ biên để mô phỏng binh chủng công binh sẽ thấy rõ luật cờ thú vị hơn hiện nay (lấy bút đỏ để đánh dấu mặt lưng của quân đỏ để phân biệt). Thời gian chiếu tướng để kết thúc ván cờ nhanh hơn nhưng vẫn giữ được tính hợp lý và khoa học của luật cờ truyền thống mà không cần phải dùng cờ úp mang tính may rủi phản truyền thống.
Tôi có thể công bố để đăng ký phát minh này, nhưng Tôi không tha thiết mấy vì chả để làm gì, chia sẻ ra đây để ai thích thì chơi. Cái gì theo thời gian cũng cần phải cách tân để hoàn thiện hơn, ai hay chơi cờ cũng cần phải thử để đánh giá độ hoàn thiện của nó, nếu cải tiến không phù hợp thì bỏ cũng chả chết ai.
Chân thành chia sẻ!
Bảy Vũ (24/8/2019)
Bài này đã được xem 853 lần
|
Người đăng:
|
Bay Vu
|
|
|