Poem logo
Poem logo

nhật ký mùa xuân

NHẬT KÝ MÙA XUÂN ( tự sự ngày xuân )

Vẫn biết rằng mùa xuân rồi cũng sẽ đến, nhưng lòng ta sao vẫn cứ chờ, cứ đợi. Sáng nay bất chợt nhận ra trong cái nắng heo may, khi tiết trời se se lạnh như báo hiệu một mùa xuân nữa lại sắp về. Cỏ cây cũng bắt đầu chuyển mình nhú lên những chồi non, lộc biếc sau một thời gian dài ngủ vùi với mùa đông.
Tôi một người con đi làm xa quê, cũng háo hức cùng dòng người tất bật về nhà ăn Tết. Bến xe ngày ba mươi Tết hối hả dẫm chân nhau. Buổi chợ chiều kẻ bán, người mua cũng vội vàng hấp tấp. Xuân phương Nam quê tôi bước ra ngoài ngõ là nhìn thấy, đâu đâu cũng có những bãi dưa hấu màu xanh rờn ruột đỏ. Những loại dưa vỏ mỏng da vàng khoe sắc hòa quyện cùng những khóm hoa vạn thọ, cúc vàng, hừng hực lên cái khung cảnh của mùa xuân. Lại thêm mấy ông Đồ của thời @ tụm năm, tụm ba khắc lên những trái dưa hấu mấy nét chữ thư pháp bầy bán trên vỉa hè. Nhớ ông nội tôi với một cây mai tứ quý trồng trước sân đã nhiều năm, ông tỉa tót lại mấy cành, tưới thêm vài ba gàu nước cho hoa kịp nở vào mấy ngày xuân.
Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày cứ tưởng là dài dằng dặc, rồi như một cái chớp mắt qua thật mau. Tết mới đó mà lại Tết đến nữa rồi! Tết nhắc cho tôi nhớ về nguồn cội ngày xưa.
Chiều ba mươi Tết. Mỗi gia đình xum họp đầm ấm trong tình yêu thương của cha mẹ, ông bà. Mâm cơm cúng trên bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương trầm, cầu nguyện cho gia quyến được vạn sự bình an. Khoảnh khắc giao mùa, cái hữu hạn của đời người hòa cùng cái vô hạn của cuộc sống, thiêng liêng và vĩnh hằng. Tôi xúc động vô cùng khi nhận ra hơi thở của mùa xuân. Cái chiều không thể bình tâm bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ. Bữa cơm chiều vừa xong. Tôi khoanh tay mừng tuổi ông bà nội, được ông bà lì xì cho những phong bì màu đỏ chót. Mẹ thay cho tôi bộ đồ đi chơi Tết cùng đám bạn nhỏ trong xóm, rồi náo nức nô đùa khoe với nhau rằng là đồ mới của mẹ mua từ nửa tháng trước.
Những sợi rơm vàng cong óng ả. Nội đã phơi khô sau mùa gặt, cùng với những cành cây khô chặt thành nhánh củi. Nội đã được chuẩn bị sẵn từ lâu để dùng cho mấy ngày Tết. Nhốm bếp lửa nấu nồi bánh tét mới vừa gói xong, để cùng nhau thức canh đêm giao thừa. Bọn trẻ chúng tôi quây quần bên bếp lửa, để mà nghe bà nội kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Đêm ba mươi thời khắc cuối cùng của một năm trôi đi thật nhanh. Nội mở nắp xửng bánh vớt ra một đòn bánh tét đã vừa chín thơm lừng mùi nếp mới, hòa nguyện với mùi nhân chuối chín bên trong. Như một người đầu bếp chuyên nghiệp nội không dùng dao. Nội cắt bánh tét từng khoanh tròn bằng sợi lát đã gói bánh, để được giữ nguyên cái tinh túy thơm ngon của hạt nếp. Cúng giao thừa rước ông bà tổ tiên vừa xong, nội cho tôi một khoanh bánh tét. “ Đó là bánh Lộc đầu năm con hãy ăn đi ”. Chính cái mùi bánh tét ấy đã làm cho tôi nhớ mãi đến bây giờ.
Cả cái không gian như tĩnh lặng. Tiếng con mèo mướp đuổi bóng con chuột lúi húi chạy vào đóng củi, con heo trong chuồng cũng ót ét la lên khi thấy bóng của nội. Tôi thầm nghĩ sao nó lại vậy sớm thế, tiếng con chó vừa sủa ai ở ngoài hiên nhà, trong cái dáng tuềnh toành xiêu vẹo sau mấy ly rượu chúc Tết đêm giao thừa quay trở về nhà. Những âm thanh vừa lạ mà lại thân quen. Bà nội nói lẫm bẩm với ông nội mấy câu: “ Không biết năm nay con gì đã ra đời rồi ông hả? ”.
Sáng ra mùng một Tết được mẹ vắt tôi đi vãn cảnh chùa, đi thăm viếng họ hàng, chòm xóm chúc Tết lẫn nhau. Chỉ có cha tôi là xỉn mẹp sau những lần tiếp khách đến chơi, bánh mứt, thịt mỡ dưa hành trong nhà luôn có sẵn. Vậy mà tôi cứ không quên dúi tay vào túi mẹ, xin thêm mấy chục ngàn đồng để đi chơi Tết cùng nhóm bạn trong xóm. Con đường đất ngày nào bụi bám cả bàn chân, bây giờ được thay bằng con đường bê tông rộng rãi.
Tết năm nay hình dáng của nội tất tả với ruộng đồng, thân hình gầy còm không còn nữa. Khói bếp chiều nay được bốc lên qua ánh lửa, trong bóng khói vờn bay có dáng hình của nội. Cho dù thời gian có mờ tan như bóng khói, bếp bây giờ cũng đâu đủ ấm bằng khói rơm rạ của ngày xưa. Vì trong đó có tình thâm nội cháu mãi mãi không xa.
Một mùa xuân nữa lại về, bữa cơm chiều ngày ba mươi Tết. Cũng có bánh tét như ngày xưa, vì mẹ đã mua ở chợ. Nó thô hơn, nhạt nhẽo hơn không như chiếc bánh từ đôi bàn tay của nội. Niềm vui sướng khi Tết đến của những ngày thơ bé không còn nữa, thời sinh viên xa nhà cũng qua mau. Và bây giờ tôi lại tiếp tục đi làm xa mẹ, xa quê hương, xa đám rau muống bờ ao mẹ cắt hoài mà hoa chưa kịp nở. Chiều ba mươi Tết trời nhập nhoạng trôi đi. Tôi cảm nhận cuộc đời như đang ngắn dần, một cảm giác nghèn nghẹn, nằng nặng, đâu đó những điều mà mình chưa làm được cho nội. Một chút day dứt, một chút chạnh lòng bâng quơ, không thể buông hết kỷ niệm cũ. Tôi bâng khuâng mãi mỗi khi mùa xuân về.

Chiều 30/12/2015

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm