Poem logo
Poem logo

luận bàn về “bôi nhọ”

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ
LUẬN BÀN VỀ “BÔI NHỌ”
“Bôi nhọ”, người miền nam thường hay nói thành “bôi lọ”, ý chỉ “dùng nhọ nồi hay lọ nồi, một chất bẩn đen tích tụ dưới đáy nồi sau khi nấu nướng, thường thấy ở nồi dùng củi để bôi hay trét lên mặt của một ai đó nhằm mục đích gây cười”.
“Bôi nhọ” là hành vi thường thấy ở trẻ con để vui đùa khi bạn bè ngủ say hoặc làm một hình phạt đối với người thua cuộc trong một độ cá cược nào đó. Hậu quả của “bôi nhọ” là những trận cười nổ như bắp rang, nó mang dấu ấn của vui tươi hơn là xấu xa. Tuy nhiên, người bị “bôi nhọ” thường bức bối, bực dọc và giận dỗi vì mình chính là trung tâm của những trò cười đó.
“Bôi nhọ” chỉ là động thái để mọi người chú ý đến “người bị bôi nhọ” nhiều hơn, chứ bản thân “bôi nhọ” thì không làm thay đổi được thực tế khác quan, người ta nhìn vào cái “nhọ” chứ không ai nhìn vào con người, cho nên gương mặt thật của họ có trắng hay đen thì không phụ thuộc vào “nhọ” mà phụ thuộc vào “chính gương mặt thật của người đó”, mà gương mặt thật đó phụ thuộc vào di truyền, hoàn cảnh sống, sự chăm sóc bản thân, … Cái “nhọ” chỉ là cớ để người ta đánh giá với gương mặt thật có đẹp hay không?
Người bị bôi nhọ hoàn toàn làm chủ bản thân, họ có quyền rửa, lau hay chùi nhọ bất cứ khi nào họ muốn, nhưng muốn tẩy sạch hết nhọ thì họ cần phải có “tấm gương để soi lại mặt của chính mình” hoặc nhờ ai đó nhìn thấy được rõ cái nhọ đó để lau chùi giúp. Kết quả sau khi lau nhọ là gương mặt của mình sáng sủa hơn, đầu óc cũng sảng khoái, tỉnh táo hơn, thậm chí có dịp nhìn lại gương mặt già nua theo thời gian hoặc kênh kiệu do công việc mà đã lâu mình không có dịp ngắm kỹ gương mặt thật của mình trong gương. Cho nên, người khôn ngoan và thông minh thì không bao giờ nổi cáo khi bị ai đó bôi nhọ, mà họ còn lấy cớ để nhờ ai đó lau giúp nhằm đo lòng bạn bè hoặc bí lắm thì họ tự tìm gương soi mà lau rửa cho sạch sẽ.
Mặc dù vậy, vẫn tính đến một trường hợp ngoại lệ là một số người bị bệnh phong cùi “nhọ dính” do yếu tố ngoài ý muốn (cũng chẳng ai rảnh đi đùa giỡn với những người đó, có thể là một ai đó lau dọn nhà cửa, nồi niêu soong chảo gì đó rồi vô tình gió bay cuốn theo cái nhọ để dính vào mặt người kia). Đối với những trường hợp người bị bệnh phong cùi dính nhọ thì họ khó có thể tẩy sạch nhọ vì hai nguyên nhân:
Một là, họ không còn đủ tay chân khỏe mạnh và không dám nhìn vào kiếng để soi gương mặt sần sùi của mình để rửa sạch nhọ;
Hai là, không một ai có can đảm để giúp họ lau sạch nhọ vì sợ lây bệnh, có chăng là những người thật sự thân thiết của họ.
Đối với loại người bị bệnh phong cùi mà bị dính nhọ vào mặt thì họ thường hay bực dọc, tức tối khi có ai đó nói rằng mặt của họ dính nhọ, thậm chí họ bực dọc luôn cả những người có nụ cười bí ẩn vì tưởng rằng người ta cười vì mặt họ có nhọ ngay cả khi mặt họ không có nhọ.
Cho nên, bị “bôi nhọ” không phải là một thứ gì đó quá quan trọng mà cần phải ầm ỉ. Chỉ cần tìm cái gương cũ nào đó soi vào rồi lau chùi là xong hoặc nhờ một ai đó lau giúp. Còn ai tức tối khi mặt dính nhọ mà cứ để cái nhọ chần dần ở đó rồi quát tháo ầm ỉ thì phần lớn là bị bệnh phong cùi.
Đặng Hoàng Vũ (26/5/2017)

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm