sự cô đơn thầm lặng
SỰ CÔ ĐƠN THẦM LẶNG
(Truyện ngắn)
PHẦN 1: GẶP NHAU TÌNH CỜ
Đã lâu lắm rồi các anh em từng sống chung lúc du học ở trời tây mới có dịp hội tụ với nhau. Không khí nhậu nhẹt tưng bừng, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của thời xa quê ngày trước. Cuộc nhậu cũng tàn lúc 8 giờ tối, nhiều người đổ gục ngay trên bàn phải nhờ đến hai em nhân viên đưa ra taxi để vào karaoke giải rượu.
Anh là người thành công nhất trong cái nhóm du học ngày ấy, tính tình nghiêm nghị, là người “thét ra lửa” trong những lúc làm việc, đến nỗi nhắc đến tên Anh đã làm bao nhiêu nhân viên khiếp sợ. Ấy thế mà hôm nay Anh vui vẻ lạ thường, vừa nhảy, vừa ca, vừa uống làm sôi nổi cả phòng karaoke, điều mà ít ai được thấy kể cả lúc xưa từng du học cùng. Tuy vậy, trong cơn ngà ngà nửa tỉnh nửa say Tôi vẫn thấy Anh toát lên vẻ cô đơn tột cùng của một người được xem là thành đạt ở lứa tuổi U40.
11 giờ 30, karaoke cũng tàn, ai nấy đều bắt taxi về khách sạn hoặc đi đâu không rõ. Anh bảo Tôi kiểm hóa đơn dùm Anh để Anh bao mọi người chầu này. Tôi lúi húi định đặt chiếc taxi Grap để đưa Anh về khách sạn nhưng Anh ngăn lại, “Chú còn uống được nữa không? Anh em mình lai rai, Anh muốn đàm đạo với Chú tí, đã lâu rồi anh em mình chưa có dịp đàm đạo với nhau”. Hồi du học, Anh và Tôi ở cùng phòng với nhau, hai anh em được khoảng rất hay tranh luận. Tôi thích đọc sách nên thường mang lý thuyết ra tranh cãi Anh về mọi chủ đề, còn Anh thì từng trãi nên dùng kinh nghiệm để bình tĩnh phân tích mọi lý thuyết Tôi nêu ra.
Hai anh em chọn một quán cóc vỉa hè, dân dã như cái thời còn học chung bên ấy. Một con mực nướng, hai chai bia đủ để lai rai cho hai anh em lâu ngày mới gặp. Hết hai cặp bia mà cũng chỉ hỏi nhau vài câu về gia đình, nhiều năm trôi qua Tôi có vẻ điềm tĩnh hơn nên cũng không mở màn tranh luận chuyện gì. Tôi thấy Anh thoáng buồn, Anh hỏi: “Sao hôm nay Chú khớp thế, không giống như lúc xưa, nói chuyện luyên thuyên?”. Tôi hơi bất ngờ nên đáp lại “Em biết nói gì đâu, hay Anh nói đi Em nghe, lại còn học hỏi thêm được nhiều hơn”. Anh cất chất giọng vừa say, vừa bất cần đời chưởi thề “Đệch, Anh cần gì nói, 1 năm 365 ngày Anh nói chưa đủ à? Mà Anh cần đếch gì người nghe, lúc Anh nói có thằng nào không dám nghe. Cái Anh cần là có người nói cho Anh nghe”. Không khí chùn xuống hẳn, ngược hẳn với cách đây vài tiếng đồng hồ trong phòng karaoke Anh hãy còn vui vẻ. Tôi nhìn ánh mắt và thái độ của Anh, chân tình hỏi thật một câu “Anh đang rất cô đơn?”. Anh hớp ngụm bia, nhìn vào mắt Tôi hơn một phút mới chịu trả lời “Anh cô đơn thế nào được, vợ đẹp con ngoan, nhà cửa đề huề, … Mà Chú nói đúng, đúng là Anh đang cô đơn thật”. Anh cụng ly với Tôi rồi nói tiếp “Anh thấy ghen tị với cuộc sống của Chú, Chú rất thoải mái còn Anh thì ngay cả nụ cười cũng không dám thể hiện. Cái đám nhân viên mà thấy Sếp cười là lờn mặt ra ngay, siêng ăn nhác làm, càng gần nó thì nó càng qua mặt mình. Còn vợ con thì coi Anh như kẻ thù, tiền dư ăn dư để nhưng đứa con thấy bố mặt lúc nào cũng lấm la lấm lét. Bà mụ vợ thì yêu điện thoại hơn yêu chồng. Đúng chán! Như Chú là sướng nhất”. Tôi gượng cười “Hơ hơ! Anh nói hay quá, Anh đổi chức Phó Giám đốc Sở qua cho Em làm đi, Anh lấy lại cuộc sống như Em, khỏi phải ghen tị”. Anh cười đáp “ghen thì cứ ghen, đổi làm sao được, Anh là Anh, còn Chú là Chú, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà”.
Anh và Tôi, mỗi người một câu, nói qua nói lại mà cũng hơn nửa thùng bia, trời càng về khuya, mà hình như nơi này người ta bán thâu đêm hay sao ấy. Càng nói, càng hiểu, càng lại tội Anh, một con người điềm đạm, nghiêm khắc, “thét ra lửa” như mọi ngày nhưng vẫn ẩn chứa một nỗi “cô đơn thầm lặng”.
PHẦN 2: LẼ SỐNG
Tôi vặn lại Anh “Cứ mắc gì Anh làm Sếp là phải mặt hầm hầm như tướng cướp, lúc nào cũng phải thét ra lửa mới chịu. Anh cứ gần gũi như Anh nói chuyện với Em lúc này không tốt hơn sao? Tự Anh gây khó cho Anh rồi than trách cô đơn”. Cứ tưởng Anh sẽ giận vì câu nói thật đó, nhưng không, Anh rất điềm tĩnh “Chú chưa làm Sếp nên chưa hiểu cái nghề làm Sếp. Trước đây Anh đã từng gần gũi nhiều lần rồi, nhưng không mang lại hiệu quả. Càng gần thì họ càng xin xỏ, giải quyết thì vi phạm có ngày đi tù, mà không giải quyết thì ngại vô kể. Họ xin xỏ đủ điều, từ thằng em vô làm bảo vệ, cho đến đứa cháu vào làm văn thư. Cho nên cứ thét ra lửa, làm mặt lạnh như tiền để họ đỡ xin xỏ trường hợp nào thì may mắn trường hợp đó, mà có xin xỏ thì từ chối cũng đỡ ngại”. Hóa ra làm nghề Sếp đúng nghĩa cũng khó phết, đâu chỉ là giải quyết cho trôi công việc mà còn là giải quyết cho trôi quan hệ. Lâu dần Anh trở thành một người xa cách, công việc tiến triển, cái đám nhân viên thì phục tùng tuyệt đối, nhưng Anh thì dần trượt dài về cô đơn, thậm chí là cô độc đến mức độc đoán mà nếu có vi phạm để đi tù thì mỗi một mình Anh đi tù mà không có đứa lính nào tự dưng vi phạm để vào tù hầu Anh.
Tôi thông cảm phần nào cái khó của Anh trong công việc, nhưng cũng không vì thế mà Anh mang bộ mặt đó trút hết cho gia đình. Rượu vào, lời ra, hai anh em lại đi dài đến những câu chuyện khác “Con cái là của để dành, nó là thân thể nối dài của chính mình, cớ sao Anh lại bảo nó nhìn Anh như kẻ thù?”. Thằng con 6 tuổi của Anh kháo khỉnh ra trò, hôm tết vừa rồi Tôi cũng có dịp ghé chúc tết gia đình Anh và gặp nó, nhưng Anh thì bảo “Nó bắt đầu đến tuổi khó dạy rồi, bỏ thì không đành mà dạy thì nó hận, suốt ngày chỉ có ôm Ipad chơi game, cả mẹ cả con cùng nghiện công nghệ. Trăm sự nhờ cô giáo trên trường nhưng dạo này đọc báo thấy có nhiều chuyện của giáo dục làm Anh lo quá, hình như đạo đức đang xuống cấp nhiều”. Tôi cười rồi nửa đùa, nửa thật nói “đạo đức đâu có xuống cấp, tại Anh nhìn vậy thôi”. Anh nói Tôi có vẻ lạc quan quá, những biểu hiện vừa qua như cô giáo quỳ gối, phụ huynh đánh cô giáo sắp xẩy thai, rồi chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước ghẻ lau, … không xuống cấp thì là gì? Nhưng mà Tôi thì lại nghĩ khác, nói đạo đức xuống cấp thì nếu đổ vào thêm nó sẽ đầy trở lại. Đằng này càng đổ nó chỉ càng tràn ra, điều đó có nghĩa là nó không xuống cấp, mà thực tế là nó đang “lật úp”. Cho nên cần phải lật ngược nó lên rồi mới đổ được cái thứ mới vào, chứ nó đang lật úp thế kia mà càng đổ thì nó càng tràn, có khác gì rót nước từ trên đáy ly rót xuống. Tôi nhìn Anh phân bua “Nó lật úp thật Anh ạ, xã hội mới mà văn hóa cũ rồi, thời đại này là thời đại của nhà nước pháp quyền. Người ta không tin đạo đức đâu, đừng trông chờ nó, mấy ông đi tù vừa qua đều là đạo cao đức trọng trước khi đi tù cả đấy. Nhưng nếu có tư tưởng và tâm lý pháp quyền và có cả công cụ pháp quyền như cái kiểu thằng Mỹ nó gọi 911 là có mặt mấy chú Police ngay thì có trời chúng nó chưa chắc đã dám làm loạn, chả cần phải trông chờ đạo đức”.
Anh cũng hiểu cá tính của Tôi thời còn ở chung bên trời tây nên không tranh luận. Anh ngước nhìn trời rồi hỏi “mấy giờ rồi?”. Tôi khui tiếp 2 lon bia rồi cười “thời gian tính bằng bia, … mà Anh hiểu thế nào về thời gian mà hỏi giờ?”. Không chờ cho Anh kịp phản ứng, Tôi giở giọng “triết hâm” như ngày nào “Thời gian thực ra nó không phải là đường thẳng, mà nó đi theo đường tròn, trái đất thì xoay quanh mặt trời, nhưng thời gian thì xoay quanh đời người”. Anh rót lon bia vào ly, bọt tràn tung tóe dưới bàn, miệng lầm bầm “Tào lao! Thời gian hình tròn, trước giờ có mỗi Chú nói”. Thì cụng ly đi rồi Em nói cho nghe “Cái đồng hồ nếu không là hình tròn thì là hình gì? Thời gian là hình tròn chứ còn gì nữa. Nó đang xoay quanh đời người đấy, nhưng có người nhìn kim giờ, có người nhìn kim phút, có người nhìn kim giây”. Anh hất hàm “Vậy theo Chú thì Anh đang nhìn kim gì?”. Tôi nhả cái hạt đậu phộng còn đang ăn dở “Anh đang nhìn kim giây, cho nên phải quay lại vài vòng nữa thì mới hết đời người. Đời người tối thiểu phải có 4 kim: sức khỏe, gia đình, sự nghiệp và bạn bè. Anh chỉ xách có 1 kim Anh chạy thôi, thì phải quay lại để xách thêm 3 kim còn lại. Lo sự nghiệp thì mất gia đình, lo gia đình thì mất bạn bè, lo bạn bè thì mất sức khỏe, lo sức khoẻ thì mất sự nghiệp,…. Cho nên, người chỉ xách được 1 kim mà chạy thì thấy họ chạy nhanh lắm, nhưng Anh tin Em đi, họ sẽ phải quay lại để xách 3 kim còn lại, lúc đấy họ lại vừa đi vừa nói chuyện với mình như cái thuở tắm truồng đấy thôi”.
Dòng người đi làm buổi sáng sớm càng lúc, càng đông đúc trên đường … Đang nói chuyện về thời gian thì nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng. Tính tiền cái độ nhậu hơn 1 thùng bia rồi hai anh em cuốc bộ qua quán phở gần đó “mở hàng” cho người ta. Anh đang trong những ngày nghỉ phép, còn Tôi thì điện về cơ quan xin nghỉ đột xuất bữa nay. Hai anh em chia tay nhau, nhưng có lẽ mỗi người vẫn đang ở một phòng khách sạn nào đó gần đâu đấy, vì rượu bia … đến giờ này mới thấm mệt.
Trong cơn say chưa tỉnh, vẫn quanh quẩn trong đầu về một sự cô đơn thầm lặng, sự cô đơn trong vòng xoáy của xã hội mới, mà mình chưa biết đang bám vào cây kim nào cho nó xoay quanh đời người trong vòng tròn thời gian. Đâu phải ai cũng bám vào được cây kim giờ để cuộc sống chậm lại, có dịp nhìn ngó khắp đời thường rồi thốt lên một cách đầy lạc quan như nhà thơ Ấn Độ Kahil Gibran “Wake at dawn with a winged heart;
and give thanks for another day of loving” (Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy; Ta có thêm ngày mới để yêu thương). Đâu đó vẫn còn nhiều người đang bám cây kim giây để chạy thật nhanh vì một lẽ nào đó, rồi cũng thốt lên như nhà thơ kia rằng “Ta hận đời mỗi sớm mai thức dậy; Ta lại thêm ngày mới để cô đơn”.
--- HẾT ---
Truyện tặng cho một người bạn!
Đặng Hoàng Vũ (6/4/2018)
Bài này đã được xem 1758 lần
|
Người đăng:
|
Bay Vu
|
|
|