ai đọc giùm tôi “thương nhớ ngày nao”!
Đi qua tháng năm với những thử thách cam go, những miền yêu thương, những miền trận mạc, ơn sinh thành, ơn mảnh đất quê hương, ơn tình yêu và bạn bè trong đời thường, trong sự nghiệp…người ta không thể cầm lòng, không thể không bâng khuâng cái “Thương nhớ ngày nao” tha thiết, sâu nặng, nghĩa tình vang lên như khúc hát, như lời nhắn gửi của trái tim. Người ta lớn lên nhờ nhân nghĩa, nhờ sự khiêm tốn trong cõi thế biết mình, biết người, biết lui, biết tới, biết biến niềm đam mê bỏ bùa thành tri kỷ để gửi gắm những suy nghĩ, những hoài niệm, thậm chí cả cái dang dở, phiền muộn, cái nợ khó trả ở đời bằng thơ thì cầm chắc đó phải là một nhân cách trang trọng, một chính nhân quân tử theo quan niệm của Nho gia. “Thương nhớ ngày nao” là tập hợp những khúc tình, những chớp mắt, những run rẩy, những hiện thực biết nói, cái động lòng của kiếp người trên sân khấu chấp chới cánh chim thời gian một đi không trở lại. Chỉ thấy đó là tấm lòng của nhà thơ sáng lên trên từng con chữ để nhớ, để thương, để hờn, để giận, để buồn xa thẳm mênh mang trong sóng nhạc thơ như muốn ôm chặt và thủy chung mãi mãi với cái tình của ngày nảo ngày nao!
Thông điệp của thơ là gợi trí tưởng tượng và sự thăng hoa vượt qua cái tầm thường để làm mềm những suy nghĩ khô cứng, vụn vặt, nông cạn, ích kỷ. Thông điệp của nhà thơ là kết bạn. . “Thương nhớ ngày nao” đã cố gắng trong cái có thể, để biến thơ thành cái cầu bắc qua dòng sông đời người; nơi ấy ông thấy mình mãn nguyện khi được chở che, được yêu thương, được là chính mình trong một cái tôi không đơn độc. “Thương nhớ ngày nao” đọc đi, đọc lại thấy miên man những cảm xúc chân thật, hồn hậu, trong sáng đến lạ lùng…!
Bài này đã được xem 724 lần
|
Người đăng:
|
Phạm Khang
|
|
|