đạo phật: con đường phá chấp, vô môn
Đạo Phật không là tôn giáo, triết lý, tâm lý, khoa học, tuy có vẻ gần những thứ đó. Có thể nhìn Đạo Phật (ĐP) theo thế đứng rất riêng, rất độc đáo: ĐP là con đường PHÁ CHẤP, tức buông xả sự nô lệ sâu xa nội tâm, nhờ thế, đi đến giải thoát, đạt đến Bình An (sống trong Sự thật).
Giáo lý căn bản của ĐP là TỨ DIỆU ĐẾ, bốn sự thật nhiệm mầu. Khổ Đế có nguyên nhân là Tập Đế. Tập Đế là sự thật mọi con người đều có nguồn năng lượng ‘dữ dội’ đến nỗi luôn thu tích, bám víu, kiếm chác; ngược lại là phòng vệ, giận dữ, tức bực, bất mãn; và sâu xa hơn hết, ngu muội, u tối, nhìn lầm, vô minh.
ĐP là con đường tìm đến Bình An Tuyệt Đối, Diệt Đế, thực trạng ‘Niết-bàn’. Nhưng muốn Bình An (an tịnh) thì phải đi vào con đuờng phá chấp, tức Đạo Đế, gồm Bát Chánh Đạo, mà tâm điểm là CHÁNH NIỆM, tức tỉnh thức sống từng phút giây hiện tại.
Trong kinh điển Nguyên Thủy, có người hỏi Đức Phật: có thể dùng một câu mà tóm tất cả giáo pháp? Phật trả lời, có thể, và câu đó là: “Đừng để bám chấp vào bất cứ thứ gì.” Ai nghe câu này là nghe toàn thể giáo lý của Phật, thực hành điều hành là thực hành tất cả mọi pháp môn của Phật, và chứng ngộ điều này là chứng ngộ cốt tủy của Phật.
Chúng tôi gọi Kinh Kim Cang Bát Nhã là kinh “yêu thương và tự do”. Yêu thương đến cùng thì cũng đòi hỏi sự tự do nội tâm trọn vẹn. Khi đó, con người sẽ chứng nghiệm ra “Mầu Nhiệm Lời Muôn Thuở” (Chân Tâm). Câu nổi tiếng của Kinh Kim Cang là: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ Tâm”, Nên đừng trụ vào bất cứ điều gì thì sẽ ‘sinh ra’ Chân Tâm. Câu nói nổi tiếng khác của thiền sư Mã Tổ: “Tâm Địa nhược Không, Tuệ Nhật tự chiếu”, đất tâm như thể trống không, thì Mặt Trời Trí Tuệ tự nhiên chiếu sáng.
Trong kinh Pháp Cú (Dhammāpda), bài kệ 160, đức Phật tuyên bố:
“Tự mình nương tựa mình,
Nào có nương tựa khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược nương tựa khó được.”
(“Attāhi attano nātho
Ko hi nātho parosiyā
Attanā va sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ”).
Ta là nơi nương nhờ của Ta, không ai khác là nơi nương nhờ được, trở về với cái Ta thuần tịnh, chính là nơi nương nhờ hy hữu.
“Tự mình nương tựa mình” hay trở thành về “cái Ta thuần tịnh” chính là Trở về, Thấy ra và Sống trong Lời Muôn Thuở, Chân Tâm, Tánh Biết cũng chính là Tánh Giác Chói Sáng Thanh Tịnh mà trong Kinh Tăng Chi* đức Phật gọi là Pabhassara Citta. Tánh Giác này ai cũng sẵn có nhưng vì bị bản ngã tà kiến tham ái che mờ nên không tự thấy. Do đó, đức Phật dạy cần phải PHÁ CHẤP, từ là "xả ly, ly tham, đoạn diệt mọi tà kiến tham ái thì tâm mới an tịnh", đây còn đường Nhất Hướng của người tín Phật. Khi tâm an tịnh thì tánh giác hiển lộ, nên "chánh trí giác ngộ Niết-bàn".
(*) “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. (Pabhassaram’idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ. Taṃ assutavā puthujjano yathābhūtaṃ nappanājāti.)
Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy” (Pabhassaram idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttaṃ. Taṃ sutavā ariyasāvako yathābhūtaṃ pajānāti).
Bám Chấp, Dính Mắc. Nghiệp Si: Vô Minh
Từng ánh mắt, từng nói cười, từng khởi tâm vui buồn yêu ghét của ta đều do sức mạnh bên trong, Nghiệp, sui khiến dẫn dắt. Có ai trong chúng ta là Tự Do dù chỉ trong tích tắc đời mình đâu! Mỗi chúng ta đều "sinh ra" từ nghiệp, làm tôi tớ cho nghiệp, kẻ nô lệ của nghiệp.
Trước hết, Nghiệp là sức mạnh ngu si mù tối trong ta. Ai cũng cũng ngu si, nhưng lại còn ngu si hơn nữa vì luôn cho mình đúng mình phải mình biết hết mọi sự! Sức mạnh ngu si hay Vô Minh này, Phân Tâm Học gọi là Vô Thức. Ta đang thức đang tỉnh đây, nhưng nhà tâm lý nói rằng chỉ có 5% là ý thức tỉnh táo thật sự thôi.
Chúng ta mù lòa đi trong đêm. Chúng ta đang trong cơn mơ ngủ suốt bao kiếp đời. Yêu ghét vui buồn xum họp chia phôi cho tới thấy rằng đây là tôi, là người, là trời, là đất, là đẹp, là xấu, là hơn, là thua, là sống, là chết...nhưng tất cả vẫn chỉ là cơn đại mộng.
Làm người, còn là phàm phu, thì còn có hàng triệu hàng tỷ điều dính mắc. Dính mắc vào tình vào tiền vào danh, dính mắc vào ăn vào uống, dính mắc vào áo vào quần vào xe vào cộ vào nhà vào cửa, dính mắc vào đẹp vào xấu vào hay vào dở vào thấp vào cao, dính mắc vào thánh thiện vào tội lỗi vào cao cả vào thấp hèn, cho đến dính mắc vào kinh điển, dính mắc vào tông phái tôn giáo, dính mắc vào lề luật vào truyền thống vào văn hóa vào gia đình vào dòng tộc, dính mắc vào Chúa vào Phật vào thánh vào thần vào vô thần vào hũu thần vào tin tưởng vào mê tín, dính mắc vào ngu muội vào kiến thức vào trí thức, dính mắc vào búi xụi búa xua...
Dính mắc, chấp, trước, tức là nô lệ, tức là, sống trong cái lồng, chẳng có tự do.
Ý ủa, tin Chúa, yêu Chúa, mà cũng là nô lệ, không tự do sao? Rất có thể, khi tin Chúa “của mình”, Chúa “kiểu mình”. Chúa là bầu trời. Chúa là đại dương. Càng tin cậy tựa nương vào Chúa, càng lao mình vào bát ngát tự do. Tuy cũng đáng sợ. Những người nói về Chúa nhiều quá và dễ quá, thấy cũng ngờ ngợ kỳ kỳ.
Tin Phật, theo Phật, thì cũng cần tỉnh táo. Phật cuối cùng chẳng là ông này bà kia. Phật là tâm bao la tự do và siêu việt sáng suốt. Nếu tin ông bà Phật này Phật nọ, thì cần “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”. Con đường của Phật là con đường Trí Tuệ, nhờ Trí Tuệ, mà không si mê vướng mắc, trở nên bao la tự do.
Khơi mở Trí Tuệ, thấy cái Thật của mình của đời. Thấy cái phù du hư ảo của vạn sự. Thấy cái “Thánh Tính” vô biên trong vạn sự. Thế là, giữa ngàn muôn nổi trôi biến động đảo điên, vẫn vô cùng yêu thương và vô cùng tự do, không dính mắc.
Yêu Chúa hết lòng hết sức, để Chúa dẫn đưa và soi sáng, phó thác và tin tưởng thay vì “bắt” Chúa phải làm theo ý mình, thì sẽ đến lúc, “Ngài đưa con lên, cho tới bầu trời tự do”.
Ngay với nhiều người tốt lành đạo đức, họ yêu Chúa kính Phật, kinh lễ thành tâm, làm việc bác ái... Nhưng rất nhiều người vẫn không khao khát tự do, không thấy một điều cốt lõi của tôn giáo và cũng là giá trị lớn lao cho cuộc sống, là trở nên tự do, thoát khỏi Vô minh.
Lời Chúa gọi: "Hãy thức dậy hỡi ai ngủ mê!". Đến bao giờ mới Thức Dậy, mới Giác Ngộ một lần! Ngay cả điều cơ bản rằng mình đang mơ, đang trong Vô Minh, mà cũng chẳng biết, chẳng nhận, khư khư chấp bám rằng tôi hoàn toàn có lý, hoàn toàn chính xác chính đáng vô cùng!
Một lần thức giấc, thấy Vô minh cũng là Niết Bàn, là Giác Ngộ. Ngược lại, dù nói được đến Phật đến Chúa đến gì gì chăng nữa, thì cũng là nói mớ, nói khùng, nói điên, nói vọng vụn vớ vẩn mà thôi!
LỜI PHẬT LỜI CHÚA LỜI THẦY LỜI CHA
TẤT CẢ LÀ LỜI. CHẲNG LÀ TA, CHẲNG CỦA TA, CHẲNG LÀ TỰ NGÃ CỦA TA.
Không Động = Vô Cùng = Tại đây và bây giờ
#herenow #tỉnhthức #giácngộ #giảithoát.
Facebook.com/onlynowandhere
Bài này đã được xem 1061 lần
|
Người đăng:
|
Cuncuoi11
|
|
|