vũ trụ do tâm tạo
Đức Phật đã khám phá ra Tâm
Trong tĩnh lặng, hãy cầu khẩn Nó,
Vũ trụ nguyên nhân hậu quả
Nó là nguồn gốc sắc tướng, chúng sinh
*
Nó là sống ở, thác đi về
Nó là sinh khí, hơi ta thở
Bản lai Nó vô diện mục
Nó vô sắc, vô nhất vật, vô ngã
*
Tâm bất nhị tự Nó thanh tịnh
Từ nơi tâm mình mà tìm cầu
Vô sở trụ kiến kỳ tâm
Tất cả pháp giới đều ở trong tâm
*
Tâm sẽ chỉ dạy cho chúng ta
Cho ta thấy, cảm, nghĩ và tưởng
Nó hiện hữu như thật vậy
Vũ trụ lẫn chúng sinh do tâm tạo
*
Nó hiện hữu lẫn không hiện hữu
Tam giới duy chỉ nhất chân tâm
Như kỳ tâm, Phật cũng vậy
Như Phật ba đời, chúng sanh đồng Tâm
*
Quán tánh pháp giới duy tâm tạo
Phật Như Lai là pháp giới thân
Tâm ấy chính là Phật tâm
Tâm tưởng niệm Phật, tâm quán tưởng Phật
*
Chỉ Phật biết pháp vô sai biệt
Phi pháp thể tánh vốn chẳng khác
Tâm sanh thì vạn pháp sanh
Tâm diệt thì nhất thiết vạn pháp diệt
*
Tánh nghiệp vốn tự không tịch diệt
Chúng sanh nương nơi thức sắc tướng
Nghiệp lực rất khó nghĩ bàn
Chiếu kiến viên diệu ngũ uẩn giai không
*
Tất cả pháp không chỗ đi đến
Vạn pháp không có kẻ sáng tạo
Vô sanh diệt vô thủy chung
Giác ngộ như thị tri kiến Như Lai
******
Pháp Luậ̣n:
Tâm là cái chi chi?
Lê Huy Trứ
Tình kia ai đợi mà chờ, Tâm này ai tưởng mà tơ tưởng tình?
"Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không." (Tình có như không, Tác Giả: Trần Thiện Thanh)
Trong Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, trong Duy Lực Thiền, 23/08/2017, Truyền Bình viết:
“Trong bài này, chúng ta sẽ khảo sát câu nói trong Kinh Kim Cang có ý nghĩa gì?
“Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.”
Trước hết cần hiểu Tâm là gì? Tâm được mô tả rõ ràng nhất trong Duy Thức Học Phật giáo. Tâm (Citta) bao gồm 8 thức : Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Tiếp xúc thân thể, Ý thức, Mạt-na thức (Manas) và A-lại-da thức (Alaya). Cơ chế hoạt động của tâm bao gồm 18 giới (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ; lục trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; lục thức: thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể, ý thức). Tất cả mọi dữ liệu (data) hoạt động của 18 giới được chất chứa trong Manas, đó là cái ta của mỗi chúng sinh. Dữ liệu của tất cả manas được chất chứa trong một cái kho cực lớn gọi là Tàng thức hay A-lại-da thức (Alaya), đó là Tâm.
Như vậy Tâm là toàn bộ dữ liệu của Tam giới. Cái vũ trụ mênh mông mà chúng ta đang sống trong đó chỉ là một phần nhỏ của Tam giới.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là tất cả mọi cảnh giới, trong thế gian hay ngoài thế gian, trong vũ trụ đều là do tâm tưởng. Dĩ nhiên, Einstein và rất nhiều người không thấy như vậy với nhục nhãn và cái não chấp nhị nguyên của họ.
Ông ta biện luận, nếu tôi không nhìn mặt trăng nữa thì nó không còn có đó?
Mà thật như vậy, khoa học hiện đại đã chứng minh, đúng như lời kinh xưa ghi lại, Đức Phật quán thấy vi mô, vĩ mô, và ngũ uẩn giai không, thấy thật như vậy, khi các khoa học gia quan sát/không quan sát những bản chất có/không với tính thông minh của hạt (particles) và sóng (waves).
Khoa học gia chỉ chứng nghiệm qua quan sát nhưng không thể giải thích được tại sao khi họ cố tình quan sát thì sóng (waves) biến thành hạt (particles). Nhưng khi lơ là không nhìn thì hạt trở thành sóng?
Nếu họ nghiên cứu một tí Phật Pháp thì sáng tỏ ngay:
Sắc (hạt, vật chất, matters, particles) từ Không (sóng, vô sắc tướng, waves, emptiness) mà có. Khi cố tâm tìm sắc thì nó hiện hữu nhưng khi không cố tình tìm thì nó hoàn không, trở lại cái bản tánh nguyên thủy của nó là Không (vô, emptiness). Điều này đã chứng minh là vạn vật do tâm tạo.
Những cái tiểu tâm này có tính linh, thông minh. Nó có thể liên hệ, nói chuyện với nhau trong đại tâm linh. Tất cả cũng chỉ là một.
Cái nguyên lý tự nhiên của vũ trụ này không những xảy ra trong thế giới vi mô mà nó cũng áp dụng cho cả thế giới vĩ mô, và ngay cả như thị trong cõi tâm linh mà khoa học đang dậm chân tại chỗ vì khoa học chưa có đầy đủ trí tuệ để khám phá được cái mà họ vô minh gọi đó là huyền bí này.
Ý nghĩa này còn được diễn tả trong câu: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” nghĩa là Tam Giới đều là tâm, tất cả các pháp đều là thức. Tất cả mọi sắc giới đều chỉ là thông tin (information) từ cái Alaya database.
Trong những kinh điển Pali, nền tảng nguyên thủy của tất cả kinh điển Đại Thừa, Nguyệt Xứng (Chandrakirti), trong Prasannapadà Madhyamakavrti, trang 45, có trích đoạn kinh Ratnakùta sau đây nói về cái tâm bất khả này: “Khi ta tìm kỉếm cái tâm thì ta không thể nhận ra cái tâm; cái mà ta không thể nhận ra được thì ta không thể cho rằng nó có thực; cái mà ta không nhận có thực thì cái đó không phải là quá khứ, không phải tương lai và cũng không phải hiện tại; cái không phải quá khứ, tương lai và cũng không phải hiện tại thì cái ấy không tự có bản tính; cái không tự có bản tính thì cái đó không phát khởi; cái không phát khởi thì không có tiêu diệt” (Cittamahi pa rigavesya-mànam na labhyate yam na labhyate tan nopa-labhyate yan nopalabhyate tan naivàtìtamnànàgatam na pratyutpannam yam naivàtitam nànàgatam na pratyutpannam, tasya nàsti svabhàvah. Yasya nàsti svabhàvas tasya nàstyutpàdah yasya nàstyutpàdas tasya nàsti nirodha iti vistarah). (Mervyn Sprung Lucid Exposition of the Middle Way, 1979, trang 46; Th. StcherbaLsky, The Conception of Buddhist Nirvana, 1977, trang 134).
Trong pháp luận của Candrakìrti này, những danh từ “citta” bao gồm cả tơ tưởng, tư tưởng, xúc động tình cảm, cả hai mặt tình cảm và lý trí, ý thức linh động hằng chuyển, “mano” thì có tính cách lý luận trí thức, và “vinnàna” có tính cách trực nhận của giác cảm, được chúng ta hiểu nhầm là đồng nghĩa với nhau (ti cetas cittam mano vijnànamiti tasyaiva paryàyah, trang 303).
Điều này cho thấy, có thể Ngài cũng chưa nắm chắc được tâm cho nên khi thì gọi nó là tâm, khi thì lòng, khi là hồn? Chó, mèo, trâu, ngựa, người, ma, phật lẫn lộn không có được một căn cước (ID, cái ngã) nhất định?
Những định nghĩa ở trên về Tâm cũng không khác gì những triết luận gia mù khác định nghĩa về con voi ảo tưởng. Danh không trúng nên ngôn không chỉnh!
Tóm lại, Kinh Kim Cang đã trực chỉ nhân tâm, nói lên một thực tế phủ phàng mà nhân sinh vẫn tâm tư, hoài công tìm kiếm ngay cả trước khi Đức Thích Ca tái sinh cho đến bây giờ, đó là tâm quá khứ, hiện tại, vị lai đều bất khả đắc, nghĩa là không có thật, mọi sắc giới đều do tâm tưởng tượng mà ra. Không có chuyện cảnh giới hiện tại khác về bản chất với cảnh giới quá khứ hay vị lai. Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai cũng chỉ là một thứ cá mè một lứa như nhau và đều chỉ là ảo tưởng không phải thật.
Mà đã chấp nhận là nó không có thật rồi thì tại sao chúng ta cứ dài dòng văn tự, lẫm cẫm chia tâm thành ba thì, không gian thời gian, ở ngay lúc này đây để làm gì ... bây giờ đây?
Hiện nay vẫn có đa số trí thức cũng vẫn mê muội như Sartre, cho rằng chỉ có hiện tại là Phật, còn quá khứ, vị lai, là Ma, đó là một thứ nhận thức ấu trĩ, vô minh, mà cố Hòa Thượng Duy Lực đã quở trách rằng họ không hiểu Phật pháp, cũng không biết khoa học, lẫn triết lý nhân sinh.
Định nghĩa về Tâm của Duy Thức Học Phật Giáo ở trên tuy hấp dẫn nhưng rất khó hiểu cho đa số những người bình thường như chúng ta.
Hơn nữa, không phải ai ai từ Đông lẫn Tây cũng đều đồng ý với cái chủ quan ở trên, đó là, “Tâm được mô tả rõ ràng nhất trong Duy Thức Học Phật giáo.”
Dĩ nhiên, những học giả, những tôn giáo, và Phật Giáo kinh điển khác cũng đã định nghĩa và luận rất chi tiếc dài dòng về tâm. Nhưng càng đọc nhiều về những suy luận từ tâm tưởng này càng làm cho chúng ta thêm rối trí, đau tim chứ chả ai thật sự hiểu tâm là cái chi chi?
Phạm Công Thiện viết, “Người khám phá đầu tiên và cuối cùng tất cả tinh thể bí mật của “Tâm” (Psyché) trong suốt dòng Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Tây phương gần 2.500 năm, đó là tư tưởng gia bí mật nhất của Tây phương Héraclite. Chỉ có hai câu sau đây thôi của Héraclite cũng đủ xô đẩy tất cả tâm lý học, phân tâm học, tâm bệnh học, vân vân, rơi kẹt vào tuyệt lộ.”
“Cái Tâm (Psyché, tâm Phật) có cái Tính (Lógos hiểu theo Héraclite, tức là đồng nghĩa với Trí Tuệ Bát Nhã) tự huân trưởng lên” (câu thứ 115).
Người không thể bao giờ tìm thấy được những sự tận cùng của Tâm (Psyché, Bồ Đề Tâm), dù người có đi tìm kiếm khắp mọi nẻo đường cái Tính (Lógos, bản lai) của Tâm (Psyché) thì quả là hố sâu của đoạn kiến. (câu thứ 45, sắp loại theo Diels) ”
Chữ “Psychologie” xuất phát từ chữ “Psyché” và “Lógos”.
“Muốn hiểu nổi hai câu trên của Héraclite thì phải bỏ ra ít nhất hai chục năm để học Triết lý Tây phương và phải đốt hết tất cả những quyển sách về Tâm lý học và Triết học và Luận lý học.” (Bước Chân Thứ Hai Đảo Ngược Trở Về Sự Im Lặng. Sự Chuyễn Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Ánh Sáng Bất Tận Của Phật A Di Đà, Phạm Công Thiện)
Thoát nhiên đốn ngộ, một trạng thái nổ bùng của tâm thức, một sự thông thì vạn sự đều thông, tất cả xảy ra trong khoảng khắc như bị điện giựt, ngoài sức tưởng tượng và kiểm soát của chúng ta.
Trí tuệ không cần học mà tự có. Chân lý tự nó có tánh thuyết phục. Khi còn vô minh thì dù cho có bỏ ra suốt kiếp cũng khó mà giác ngộ được. Triết lý Tây Phương bây giờ đã vô dụng chỉ dành cho những triết gia của viện tâm thần. Trong thời đại văn minh kỷ thuật bây giờ, may phước, chúng ta không còn thấy những “gàn triết gia” này chạy đầy đường trên thế giới.
Hai câu trên của cái ông Héraclite, “vô danh” đối với số đông nhân loại, không có gì cao siêu để dựng lên, để tôn sùng, và mất công tới hai chục năm để học triết lý tây phương họa ra hiểu được cái ông ta không hiểu nổi, 2500 năm về trước. Thay vì, chúng ta có thể tìm thấy cái bí tỉ của Héraclite trong vài giây trên internet, và cũng đọc được những giải thích này trong vài dòng ngắn gọn rỏ ràng, nhan nhản trong nhiều kinh sách của Phật Giáo.
Xuyên thiền sư có câu kệ: “Tìm kiếm hoài ba thời cái tâm trong ba cõi thời gian mà vẫn không thấy được.” (Tam tế cầu tâm. Tâm bất kiến).
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Như Lai nói về cái tâm, nhưng thực ra không phải có cái tâm, vì thế mới gọi là cái tâm. Tại sao vậy ? Vì không thể tìm được cái tâm quá khứ, không thể tìm được cái tâm hiện tại, không thể tìm được cái tâm tương lai.” (Như Lai thuyết chư tâm, giai vi phi tâm, thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà ? Tu Bồ Đề, Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc).
Duy Thức Tam Thập Tụng, kệ thứ 4, có ghi:
“Cái tâm có đó, mà không có đó, cái tâm trôi chảy liên tục như dòng sông ‘hằng chuyển như bộc lưu’.”
Chữ “Tâm” (Citta) là nền tảng của tất cả kinh điển Phật Giáo. Danh từ “Citta” có nhiều nghĩa tùy theo căn trí bất đồng của nhân sinh. (The Pali-English Dictionary suggests citta is heart/mind.)
Cũng nên để tâm, chữ Citta xuất phát từ chữ “Cit” có nghĩa là suốt ngày Tơ Tưởng (day dream, mơ tưởng, nghĩ liên miên, lo ra?
Tình kia ai đợi mà chờ, Tâm này ai tưởng mà tơ tưởng tình?
Và Citta ở trong chữ Cittàkulàni là “Loạn tâm, Tâm điên đảo, Tâm viên.” Vậy thì tâm đi từ mê tới ngộ hay ngược lại, từ an tới động?
Cho nên cái định nghĩa trên này cũng là vọng ngữ không điểm tâm đặng.
Trong kinh Anguttara Nikàya, Đức Phật đã nói: “Này hỡi những tỳ kheo, ta thấy rằng không có hiện tượng nào lướt đi nhanh chóng như cái tâm. Khó mà tìm được một sự so sánh nào để diễn tả được sự lướt đi nhanh chóng của tâm.” (Nàham bhikkhave annam ekadhammam pi samanupassàmi yam evam lahuparivattam yathàyidam cittam yàvàncitam bhikkhave upamà pi na sukarà yàva lahuparivattam cittam ti) (Anguttara Nikàya, I tr. 10).
Trong kinh Anguttara Nikàya II, tr. 177, và kinh Samytta Nikàya, I, tr. 39, Đức Phật cũng đã nói: “Hỡi các tỳ kheo, thế giới này được dẫn đạo bởi tâm tư, thế giới này bị quét sạch bởi tâm tư, thế giới này dưới sức mạnh của tâm tư” (S. I. p. 39: Cittena niyyati loko cittena parikassati, cittassa ekadham-massa sabbeva vasam anvagù; A. II, p. 177: Cittena kho bhikkhave loko niyyati, cittena parikassati cittassa uppannassa vasam gacchati).
“Chỉ có tư tưởng mới lãnh đạo cả thế giới này: ‘Tâm’ và ‘Tư Tưởng’ đều đồng nghĩa ở đây.” Theo kinh Samyutta Nikàya, tác động nổi bật nhất của “citta” (tâm) là “tơ tưởng” (cinteti) (S. I, p. 57).
Tôi không đồng thông với quan điểm như trên của kinh điển, vì tốc độ, sức mạnh, tư tưởng và tơ tưởng không phải là những thành phần của vô sắc tướng lẫn vô lượng sắc tướng trong vũ trụ mà chúng chỉ hiện hữu ở trong tâm tưởng của con người mà thôi. Ngay cả vũ trụ cũng ở trong tâm vì tâm tạo ra vũ trụ.
Đức Thế Tôn thay vì yên lặng nhưng đã phải giảng về cái Tâm bất khả thuyết đó qua cái ngôn ngữ giả danh của nhân loại. Cho nên, Ngài nói như vậy mà nó không phải như vậy nhưng nó là như vậy đó.
Tâm bất khả đắc, không thể nhân cách hóa, cá nhân hóa, nắm bắt bỏ túi, hay dễ dàng tư nghị qua ngôn ngữ truyền tin giới hạn của nhân sinh.
Vì khi đã điểm trúng tâm rồi thì nó không còn là vô tâm, vô ngã nữa mà là hữu tâm, chấp ngã.
Tôi không muốn mất công độc giả, lập đi lại lại những luận điệu phổ thông hóa ra thông thường mà ai cũng đã từng nghe, và đọc qua nhiều lần về định nghĩa của nó.
Tôi chỉ muốn lập dị tài khôn trình bày cái tâm này đây qua một lăng kính và khía cạnh mà những người mù sờ voi chưa với cao tới được. Vì tôi là quản tượng đui ngồi trên đầu voi bị mấy đứa mù dưới đất thay vì xờ voi lại sờ nhằm chân tôi, rồi thừa thế leo lên, lần mò, sờ mó, xâm phạm tiết hạnh của tôi bằng cách sờ bóp viên ngọc báu Mani của tôi, mà chúng mù cứ tưởng là họ đang thi nhau rờ voi, và rồi thì chúng nó cải nhau chí chóe tự cho là chỉ có riêng mỗi mình họ mới diễn tả đúng là voi thật, kể cả phần không voi của tôi?
Nghe họ cải nhau riết rồi tôi cũng nhập tâm tưởng tôi cũng là một phần của voi, bất khả phân, thật đúng “dữ sợ như rứa”?
Danh từ citta còn được dịch là spirit (soul, linh hồn) trong tiếng Anh, còn nghĩa là tâm (heart). Spirit cũng có nghĩa là chi (khí), và còn có nghĩa là sự sống, sinh (life).
Gốc Latin của danh từ Spirit là spirare có nghĩa là ‘thở.’ Thở vào là inspiration, thở ra là expiration! Spirit có nghĩa là tập hợp hơi thở vì đó là sinh lực (lifeforce) tối cần thiết của đời sống.
Nếu tâm là “thở” và nếu thở là hít vào thở ra như định nghĩa của tiếng Latin ở trên thì “nó” hít vào cái khí gì? Oxygen (O2) và thở ra thán khí (CO2)?
Nhưng cái gì thở? Chúng sinh thở hay cái Thở thở?
Nếu Tâm là vô sắc tướng, không diện mục, phi vật chất vậy thì Tâm (linh hồn, spirit) có cần thở hít Oxygen như thân xác phải thở, phải ăn, phải uống, phải ngủ để sống không?
8 thức và 18 giới ở trên có thể là bản lai của “tâm ta” chứ không phải là diện mục của tâm ta. Muốn kinh nghiệm những thức giới này tâm ta phải tạm thời cấu tạo ra thân xác để kinh nghiệm vật chất hữu hình.
Rồi vì vô minh và từ đó chủ quan, sở hữu hóa Tâm là của Ta bằng cách gắn thêm cho cái tâm ta (Citta của Ngã) 8 cái thức rất người: “Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Tiếp xúc thân thể, Ý thức, Mạt-na thức (Manas) và A-lại-da thức (Alaya). Với 18 giới khả năng và cơ chế phàm tục của chúng sinh (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; lục thức: thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể, ý thức.”
Rồi thì xây “kho ta” (storehouse-consciousness, alāya-vijñāna, C. 阿 賴 耶 識) để chứa đựng nó như đã diễn tả trườu tượng ở trên, “Tất cả mọi dữ liệu [metadata] hoạt động của 18 giới căn trần được chất chứa trong Manas (mind, citta and viññāṇa), rồi lạc quan cho đó là cái Ta của mỗi chúng sinh. Dữ liệu của tất cả manas được chất chứa trong một cái kho Tàng thức với ý kiến, ý tưởng, lối nhìn, linh tính (Alāya-vijñāna is a reservoir in which all ideas, impressions, perceptions and cognitions are deposited), từ tiền nhân chủ quan suy ra rồi đa số cả tin, chấp ngã tưởng thật là Tâm ta.”
Mọi vật cũng là tâm và mọi tâm cũng là vật.
“Everything material is also mental and everything mental is also material.” David Bohm
Tôi cố gắng đơn giản như thế này, chưa ai thật sự biết tâm là cái quái gì, nó ở đâu, và cái bản lai diện mục nó như thế nào nhưng cũng vì đồng vô minh như vậy nên chúng ta đều đồng tâm công nhận trên căn bản là tâm không có sắc tướng, phi vật chất.
Vì như đã nói, không ai thật sự biết nó là cái quái gì nhưng ưa dạy khôn người khác về cái quái dị không biết đó của mình.
Có thể đó là lý do mà tôi thường thích nói và viết về cái Tâm vì tôi biết, chả ai biết tôi nói trúng hay sai. Nhất là khi mà tôi độc tôn, tự phong cho mình là đại thiện tri thức trí tuệ gia, được sắp đứng trên hạng nhì trên các thiện tri thức khác trên thế giới.
Rỉ tai mà nghe, ngay chính tôi cũng không biết tôi nói cái quái gì nữa cho nên có đồng tâm với tôi thì không hẳn là điểm trúng tâm mà bất đồng tâm với tôi cũng chưa chắc là điểm trật tâm? Trừ khi chúng ta cùng nhắm mắt điểm càn may ra trúng ngay tâm điểm?
Cho nên, muốn biết điểm đúng hay trật thì phải thấy được tâm điểm để mà nhắm vào. Ngày nào, chưa tìm ra được cái trọng tâm đó thì làm sao biết được điểm trúng hay trật?
Tôi đã vừa mới điểm tâm không. Thử ngắm dùm điểm Tâm, để nhắm xem là tôi vừa điểm Tâm, trúng hay trật?
Tóm lại, vạn vật duy “nhân tâm” phan duyên tạo ra ... ảo/thật.
Điều mà tôi thường nói, đó là nhân sinh không bỏ công, chú tâm, cố tình đi tìm cái có mà mong tìm cái không...có.
Chúng ta không thể đi tìm cái biết mình đang có “trong nhà có báu thôi tìm kiếm,” không thể kiếm cái chưa mất, mà chỉ nhìn ra để ngóng tìm cái mình mất.
Tuy nhiên, thấy vậy nhưng đừng tưởng như vậy. Nghe vậy đừng nghĩ như vậy. Đọc những gì tôi viết như vậy nhưng đừng thật thà cả tin như vậy vì nó không đúng như vậy nhưng mà nó thật như vậy.
Lòng kia ai đợi mà chờ,
Tâm này ai tưởng mà tơ tưởng lòng?
Tâm là tâm nhiều khi không mà có.
Lòng là lòng nhiều lúc có như không.
Tâm tình
Tình tâm
Tình có
Tâm không
Bài này đã được xem 714 lần
|
Người đăng:
|
TruHuyLe
|
|
|