huế xa nhớ gần buồn
Nếu mai ai về Huế
Qua Quốc Học Đồng Khánh
Trường Tiền nghể áo trắng
Nghiên nón lá qua cầu
*
Tan trường tiếng trống dục
Rộn ràng sân trường vang
Nón Huế che tóc huyền
Vành nón mắt ngọc liếc
*
Áo trắng ngây thơ về
Trang đài dáng hồn nhiên
Mưa trên cây Thầu Đâu
Thương ai lòng thổn thức
*
Mai mốt ghé Đông Ba
Mưa phùn đầu mái rạ
Bên nớ mô Thuận Long?
Lối xưa hồn thu thảo
*
Gió Nồm rực lửa Hạ
Thu rượng bến Văn Lâu
Ôn Mệ buồn vật vã
Con cháu chừ lưu vong
*
Bờ ni qua bến nớ
Tả Ngạn về Hữu Ngạn
Da diết buồn trăn trở
Áo tím chừ nơi mô?
*
Nước tràn Đập Đá chưa?
Chợ Cống chừ nơi mô
Lối xưa thương dử sợ
Nhớ Ôn biết mô tìm?
*
Bên tê chùa Thiên Mụ
Bên nớ Long Thọ Cương
Gió đưa trúc la đà
Trăng sáng chuông chùa ngân
*
Ga Huế ánh đèn vàng
Tiển ai trong nỗi nhớ
Người nớ chừ nơi mô
Tình ơi luyến ngậm ngùi
*
Đò đưa bờ bến nớ
Mái chèo bì bỏm khua
Ngự Bình tròn hay méo
Thần Kinh dầm dề mưa
*
Tràng Tiền nhịp vấn vương
Tiếng còi tàu Bạch Hổ
Nam Giao bóng tịch dương
Vườn cau Vỹ Dạ hẹn
*
Thượng Tứ ngựa vua buồn
Đò bến Ngự buông neo
Con đường xưa phượng đỏ
Chiếc nón lá bài thơ
*
Cầu Gia Hội Chi Lăng1
Bơ vơ về lối củ
Áo vàng mơ ước gặp
Soi bóng ủ hương thừa
*
Thả hồn về Huế xưa
Ngắm trăng sao Thành Nội
Nghe khúc hò Nam Bình
Trầm mình dưới sông Hương
*
Bên ni tê tái mộng
Về mô chốn chôn nhau
Chừ đêm mơ ngày thực
Huế xa nhớ gần buồn
Tài liệu tham khảo
1. Phố GIA HỘI – CHI LĂNG Xưa & Nay (thuộc Phường Gia Hội - Huế)
Nguyễn Văn Hóa biên soạn (Dựa theo: Lendang.vn và – “Theo Xưa và nay” - Tác giả H.A.)
- GIA HỘI - Cầu Gia Hội. Tên gọi Gia Hội do vua Minh Mạng đặt từ năm 1837. Buổi đầu tiên cầu làm bằng gỗ, đến năm 1904, vua Thành Thái cho xây bằng đá… Trước nữa, cầu có tên là An Hội. Có lẽ vì ở đầu cầu phía tây hồi xưa có đền An Hội chăng (?).
Ðầu cầu phía Ðông tựa trên mô đất nằm ở ngã ba sông Ðông Ba và sông Hương. Nơi đây, từ thời Gia Long đã hình thành một cái chợ mang tên Ðược. Chợ Ðược nằm bên bờ hai con sông, tàu bè đò giang lui tới thuận lợi nên chợ Ðược là nơi buôn bán sầm uất nhất Huế lúc ấy. Nhưng nó đã phải dẹp bỏ trước sự ra đời của chợ Ðông Ba ở ngay đầu phía tây của cầu Gia Hội…
Khu Gia Hội thuộc hai phường Phú Cát và Phú Hiệp. Nay 2 phường này, được gọi là phường Gia Hội. Đây là khu dân cư cổ của thành phố Huế, khu vực này được bao bọc chung quanh bởi sông Hương và sông Ðông Ba…Con đường mà dân gian thường gọi là đường Gia Hội (Chi Lăng ngày nay) ngày xưa là phố chợ Dinh (Dinh Thị Phố), bắt đầu từ cầu Gia Hội…
- Con Đường Chi Lăng
Con đường Chi Lăng nằm phía đông kinh thành Huế, nay thuộc phường Gia Hội, P. Phú Hậu, TP. Huế. Con đường dài 1850m, khởi đầu từ đầu cầu Gia Hội. Đoạn nối dài của nó chạy sâu vào đất làng An Quán xưa ra tận bờ sông Hương phía nhà thờ Bãi Dâu.
Con đường Chi Lăng đã trở thành địa điểm có cộng đồng người Hoa nhiều nhất ở Huế từ trước đến nay. Các công trình kiến trúc người Hoa trên trục đường nơi đây đẹp không thua gì ở phố cổ Hội An. Thậm chí cảnh quan và nội thất vẫn nguyên vẹn y như lần đầu xây mới. Từ đền Chiêu Ứng, “Chùa Bà”, Hội quán Quảng Triệu đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến đều được các cộng đồng người Hoa xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ. Dưới khu phố Tàu là khu chợ Dinh. So với “Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại” thì khu chợ Dinh ngày nay nhỏ bé hơn và khiêm nhường hơn. Nhưng địa danh này lại gắn liền với một nhân vật lịch sử quan trọng thời Nguyễn là cụ Trần Tiễn Thành, một trong ba vị quan đầu triều nhà Nguyễn thời thực dân Pháp xâm lược nước ta. Theo một số người già ở đường Chi Lăng, cụ Trần Tiễn Thành rất được người dân kính trọng nên ở khu phố Chi Lăng xưa được gọi là phố chợ Dinh.
Đặc biệt hơn, con đường Chi Lăng còn là tuyến đường có nhiều công trình kiến trúc tâm linh của người Việt như chùa Tường Quang,Thanh Bình Từ Đường, trụ sở Thiên Tiên Thánh giáo của Việt Nam, nhà thờ Trần Hưng Đạo và chùa cổ Trường Xuân.
*Đền Chiêu Ứng: Địa chỉ: 207 Chi Lăng, khách thấy một công trình kiến trúc cổ rất đẹp. Ðó là đền Chiêu ứng của người Hải Nam (Trung Quốc) xưa. Ðền được xây dựng từ năm 1908 trên nền cũ của một ngôi chùa nhỏ ra đời từ năm 1887. Ðền này thờ 108 người Hải Nam đến làm ăn sinh sống ở Thuận Hóa từ lâu. Năm 1851, trong khi đi biển, họ bị quan quân nhà Nguyễn tưởng giặc cướp giết nhầm. Sau đó vua Tự Ðức biết sự thật đã trị tội rất nặng những kẻ liên quan và cho tế lễ giải tội cho những người chết oan. Người dân Hải Nam lập đền thờ và đặt tên là Chiêu Ứng.
*- Phủ Thọ Xuân – Kiệt 209 Chi Lăng.Thọ Xuân Vương (1810 - 1886) là con trai thứ ba của vua Minh Mạng, nhưng người anh thứ hai của ông mất sớm, cho nên ông trở thành người em kế của vua Thiệu Trị. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Ông đã có nhiều đóng góp cho việc tổ chức Phủ Tôn Nhơn để quản lý bà con Nguyễn Phước tộc…
Thời Tự Ðức, ông giúp nhà vua tìm người có học dạy dỗ các hoàng tử và người trong họ. Sau ngày thất thủ Kinh đô, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông phải làm Nhiếp chính. Ông và con cháu mở ra Phòng 3 Ðệ nhị chánh hệ.
*- Quảng Triệu Hội quán, số 223 Chi Lăng của Bang Quảng Ðông, cũng ra đời từ cuối thế kỷ 19 (thờ Quan Công). Quảng Triệu, hồi trước được gọi là “chùa Quảng Đông”. Nay bao gồm Quảng Triệu Lễ đường và Quảng Triệu Hội quán.
*- Phủ Thoại Thái Vương ở kế tiếp Quảng Triệu Hội quán (nằm giữa hai số 225 và 227 Chi Lăng). Tên thật của ông là Hồng Y (1833 - 1872), con thứ tư của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, dĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ nên được vua cha rất thương yêu.
Năm 1871, vua Tự Ðức giao ông kiêm nhiếp Tôn nhân phủ Hữu tôn nhân. Vua Tự Ðức rất tự hào về tài năng của mình thế mà đã phải thú nhận rằng: "Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng". Tên tuổi ông được người đời nhắc đến nhiều là vì ông có người con trai thứ ba là Nguyễn Phúc Ưng Chân được vua Tự Ðức nhận làm dưỡng tử, sau được truy tôn là Cung Tông Huệ Hoàng Ðế (vua Dục Ðức).
Nhưng rủi thay, Dục Ðức chỉ ngồi trên ngai vàng chưa quá 3 ngày, nên cái phúc làm vua của con ông đã trở thành cái họa của gia đình ông. Và thật không ngờ, cháu nội và chắt nội của ông là Bửu Lân và Vĩnh San lại được lên ngôi với niên hiệu Thành Thái và Duy Tân. Và, cuối cùng hai ông vua này lại bị đày sang đảo Réunion.
*- Phủ Hòa Thạnh Vương: tại số 257 Chi Lăng. Hòa Thạnh Vương tên thật là Miên Tuấn (1827 - 1907), con thứ 37 của vua Minh Mạng … Ông thọ đến 81 tuổi, để lại một số di cảo: Nhã Ðường thi tập (10 cuốn), Hiếu Kinh lập bản, Quốc âm hiếu sử. Ông và con cháu mở ra phòng 37 thuộc Ðệ nhị chánh hệ.
*- Nhà thờ Thanh Bình của ngành Hát bội tại Kiệt 5 (giữa hai số nhà 281-283 Chi Lăng) là di tích văn hóa quan trọng nhất ở khu vực Gia Hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, ngành sân khấu truyền thống may mắn còn được ngôi từ đường Thanh Bình này. Nhà thờ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825). Ðây là một ngôi nhà thờ Tổ ngành sân khấu lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992.
Từ đường khang trang này thờ các thần thánh được tôn là Thánh sư, Tiên sư, Tổ sư của ngành Hát bội cùng những người có công tích với nghề nghiệp sân khấu trên cả nước (thời Nguyễn).
… Thời xưa, bao quanh Từ đường là Thự Thanh Bình, cơ quan quản lý công việc múa hát cung đình. Ðây là trụ sở của các đội Võ can - tổ chức văn công chuyên nghiệp của triều đình và những lớp Ðồng ấu, trường đào tạo nghệ nhân múa hát.
…Trên cửa hiên giữa Từ đường treo bức hoành sơn đỏ, chữ vàng: "Thanh Bình từ đường" làm năm Tự Ðức thứ 6 (1853). Ngoài sân, bên phải có tấm bia đá khắc dựng năm 1825 nói về nghệ thuật Hát bội thời vua Minh Mạng…
*- Chùa Bà (Hải Nam) thờ Bà Mã Châu – được gọi là “chùa” nhưng không phải thờ Phật. Thật sự, đây là Hội quán của người Hoa (Hải Nam) ở ngay góc đường Hồ Xuân Hương và Chi Lăng (307 Chi Lăng) . Lúc mới đến Thuận Hóa, người Minh Hương làm chùa Bà (Thiên Hậu Cung) tại làng Minh Hương. Sau lên khu Gia hội, họ làm ăn phát đạt và làm thêm Chùa Bà này. Lúc chưa làm Chiêu Ứng Từ, 108 người Hải Nam bị chết oan cũng đã được thờ ở đây.
*- Hội quán Triều Châu tại 319 Chi Lăng, thờ những vong linh xiêu bạt của Bang Triều Châu (và người ta thường gọi là: Chùa). Ðây là Hội quán cổ lớn nhất và giàu có nhất so với các Hội quán khác của người Hoa ở khu Gia Hội trước năm 1975.
*- Hội quán Phúc Kiến – tức là Phúc Kiến Đồng Hương Hội, ở bên cạnh Hội quán Triều Châu, số 321 Chi Lăng. Xây dựng vào năm Tự Ðức thứ 7 (1854), thờ "Tam vị ngũ vị". Thường được gọi là chùa (nhưng không thờ Phật).
Ta còn có Phủ ở dãy phố có số chẵn đường Chi Lăng, là Phủ Quảng Biên Quận Công, địa chỉ 242 Chi Lăng. Hoàng tử Quảng Biên Quận Công húy là Nguyễn Phúc Miên Gia, là hoàng tử thứ 32 của vua Minh Mạng. [thông tin này tôi theo Mệ Vĩnh Khánh (Fb. Nguyễn Phước Vĩnh Khánh)].
Bài này đã được xem 322 lần
|
Người đăng:
|
TruHuyLe
|
|
|