kinh tiểu bộ diễn nghĩa
Kệ Bāhiya Sutta
*
Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy.
Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe.
Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng.
Trong cái xúc giác, sẽ chỉ là cái xúc giác.
Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.
*
Sống rồi, không có Sống.
Chưa Sống, cũng không có cái Sống,
Ngoài cái Sống rồi và chưa Sống,
Thì khi Sống cũng không có cái Sống.
*
Đau khổ rồi, không có Khổ đau nữa,
Còn chưa Đau khổ, không có biết Khổ đau.
Ngoài cái Đau khổ rồi và chưa Khổ đau,
Thì khi Đau khổ cũng như chưa Khổ đau vậy.
*
Chết rồi, không có Chết,
Chưa Chết, cũng không có cái Chết.
Ngoài cái Chết rồi và chưa Chết,
Thì khi Chết cũng không có cái Chết.
*
Tất cả đều thật và không thật,
Cả hai thật và cả không thật.
Không phải không thật cũng không phải thật,
Đây là lối dạy bất nhị của Phật.
*
Tất cả đều thật; đều láo,
Cả hai thật và láo cả hai.
Không phải láo cũng không phải thật,
Đây là lối dạy kỳ cục của Phật.
*
Tất cả điều như thị như rứa,
Nhưng không phải giống như rứa.
Có lần giống như rứa và không giống như rứa,
Không phải như ri cũng không phải như rứa.
*
Không có Ngã sở ở trong ấy,
Ngã không trụ vào chỗ ấy.
Do vì vô sở trụ, này Ngã,
Ngã không là đời này.
*
Ngã không là đời sau,
Ngã không là đời chặng giữa.
Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Đó là thuyết tuần tự nhi tiến của Phật.
Pháp Luận:
Những câu luận giải trên đây nêu lên bản chất của một hiện tượng bằng cách dựa vào phép tứ đoạn luận đã nói lên một sự quán thấy không nhất thiết biệt đãi hay thiên vị sở trụ vào một nơi chốn nào cả (Trung Quán) - tức là vượt lên trên cả hai vị thế đối nghịch nhị nguyên. Trung Quán Luận Tụng của Long Thụ khá khúc chiết và cô đọng, không phải dễ hiểu và nhất là dịch thuật ra những ngôn ngữ khác.
Trong Tập Trung Quán Luận Tụng (Madhyamaka-karikas) là tập luận giải chủ yếu và độc đáo nhất của Long Thụ. Trong tập luận này, có một câu (tiết 15.8) có thể xem là tiêu biểu nhất phản ảnh học thuyết Trung Quán được Học Giả và Triết Gia Phật Giáo Guy Bugault dịch:
"Tout est bien comme il semble, rien comme il semble. À la fois comme il semble et non comme il semble. Ni l'un ni l'autre. Tel est l'enseignement progressif (anuśāsana) des Bouddha." (Stances du Milieu par excellence, Guy Bugault, Gallimard, Paris, 2002)
Tôi liều lĩnh dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Huế: Tất cả là tốt giống như rứa, không phải giống như rứa. Có lần giống như rứa và không giống như rứa. Không phải như ri cũng không phải như rứa. Đó là thuyết tuần tự nhi tiến của Phật.
Câu tiết 15.8 trên của Tập Trung Quán Luận Tụng được Guy Bugault dịch sang tiếng Pháp khá văn chương và triết lý tuy nhiên câu dịch dưới đây của Thiền Sư và Triết Gia Phật Giáo Stephen Batchelor dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh đơn giản và dễ hiểu hơn:
"Everything is real, not real; both real and not real; neither not real nor real: this is the teaching of the Buddha." (Verses from the Center, Stephen Batchelor, Sarpham College, 2000)
Tôi xin dịch sát nghĩa như sau: Tất cả đều thật; không thật; cả hai thật và cả không thật; không phải không thật cũng không phải thật: đây là lối dạy của Phật.
Hay, tất cả đều thật; đều láo; cả hai thật và láo cả hai; không phải láo cũng không phải thật: đây là lối dạy kỳ cục của Phật.
Mong những lời diễn giải từ những bài thuyết pháp đơn giản của Đức Phật và luận lý tư nghị của Luận Sư Long Thụ trên đây làm cho tâm của Ta được giác ngộ, giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có chấp thủ nữa.
Lê Huy Trứ
Bài này đã được xem 266 lần
|
Người đăng:
|
TruHuyLe
|
|
|