tâm hương
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lờ khe yến cá nghe kinh.1”
Trên chốn trang nghiêm, sư thuyết pháp,
Dưới sảnh Phật đường, khách nghe kinh.
Dâng ngũ hương2, ni kính Phật,
Thắp tam hương3, quy y Phật Pháp Tăng.
Pháp Luận
Đức Thế Tôn từ bỏ quyền uy, danh vọng, vinh hoa phú quý đi tầm đạo cứu khổ. Ngài cam sống cô độc, vô gia cư, giữa cảnh màng trời chiếu đất, không phải với mục đích, được tôn kính như một vị giáo chủ ban phước họa cho chúng sinh.
Khác với những tôn giáo cầu xin cứu rỗi (Salvation) khác, Đức Phật chỉ dạy đạo giác ngộ (Enlightenment.) Ngài di mệnh, chúng đệ tử nên “tục diệm truyền đăng.” Tự mình noi theo quang minh trí tuệ Phật, tự tin vào mình mà đi, không nên dựa vào một vị giáo chủ nào cả.
Mỗi chúng ta là chân sư của chính ta, là chủ của nghiệp dĩ của chính ta.
Người Phật tử chân chính không lên chùa cầu lạy phật, với mục đích tham sân si – cầu xin Phật ban phước, cứu nạn, giàu có, khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Vô úy, vô ưu, vô ngã là một trong những pháp môn của Đức Phật, là đạo pháp giúp ta diệt khổ, trong tinh thần Bi Trí Dũng.
Ghi chú
1. Chu Mạnh Trinh
2. Có năm thứ hương (ngũ hương) dùng để cúng dường chư Phật – Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, và Giải thoát tri kiến hương. Dĩ nhiên, đây phải hiểu theo nghĩa bóng – Tâm hương.
3. Thắp ba nén hương, con số 3, có nhiều quan niệm khác nhau. Theo Phật Giáo, đó có thể là Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), Tam giới (Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai), Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật.
Ý nghĩa dâng hương trong nhà Phật
Trong nghi lễ Phật giáo, hương là một trong sáu lễ vật dâng cúng (dâng lục cúng), gồm có: Hương; hoa; đăng; trà; quả, thực (nhang, bông, đèn, trà, trái cây, thức ăn). Tuy nhiên, nhiều người không rõ về ý nghĩa sâu xa của việc cúng Phật nên bày biện đủ thức ăn uống như yến tiệc, thật là phí của, phí công mà lại còn làm sai lạc ý nghĩa.
Theo quan niệm của Phật giáo, lòng thành thể hiện qua làn khói hương nghi ngút, không cần cỗ bàn yến tiếc tiệc thịt cá, heo gà linh đình… vì đúng ý nghĩa sự cúng Phật thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ.
Phật không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm của tất cả con người. Ngoài những nén hương dùng ngọn lửa nóng để đốt cháy lên, chúng ta còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén “Tâm hương” – tức là hương từ trong tâm.
Bởi vậy mới có năm thứ hương dùng để cúng dường chư Phật: Giới hương; Định hương; Tuệ hương; Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương.
Một điều chúng ta phải cần ghi nhớ là mỗi lần dâng hương trước bàn thờ: không những dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có chánh niệm (sự tập trung). Nên cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không hề dời đổi, giữ nguyên phong cách của người quân tử có tấm lòng trong sạch để lưu lại tiếng thơm với đời tỏa khắp nơi nơi…
(Dâng hương như thế nào là đúng? Khánh Chi Tổng hợp)
Dâng hương như thế nào là đúng? | Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn)
Bài này đã được xem 321 lần
|
Người đăng:
|
TruHuyLe
|
|
|