trống trận cờ lau
TRỐNG TRẬN CỜ LAU
(Trường thiên sử thi) (1)
Thơ : Đinh Kim Chung
Vào năm Giáp, ngày Rằm, tháng Mão (2)
Một thánh nhân con tạo trời sinh
Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình
Là nơi sinh hạ vua Đinh Tiên Hoàng
Ông có thể tên Hoàn thuở nhỏ
Bộ Lĩnh là tước vụ làm quan
Vì trong chính sử Việt Nam
Có nhiều quan điểm chưa làm phân minh
Cha ông vốn là Đinh Công Trứ
Giữ chức danh thứ sử Hoan Châu
Vì cha đoản mệnh công hầu
Ông theo người chú đỡ đầu cậy nương (3)
Bởi tài cán phi thường lúc nhỏ
Chỉ huy người tự thuở chăn trâu
Bày binh bố trận cờ lau
Trong ngoài phục dịch trước sau theo hùa
Lũ trẻ đã chơi đùa đánh giặc
Gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ
Cộng thêm Trịnh Tú bấy giờ
Triều đình Tứ trụ cơ hồ ngày sau
Tôn làm trưởng đứng đầu lũ trẻ
Cũng kiệu khiêng, cũng kẻ dạ thưa
Rước ngai nghị vệ xưng vua
Ông còn mổ lợn đãi thừa bạn chơi
Việc đó tiếng đến tai Đinh Dự
Người chú cầm dao nhử đuổi ông
Nhưng khi đuổi tới bờ sông
Thấy nơi ông ngã có rồng hiển linh
Người chú mới thất kinh hoảng sợ
Nhìn rồng vàng rồi bỏ chạy về
Sau ông bắt được ngọc huê
Khi theo ngư hộ hành nghề trên sông
Ông bỏ ngọc vào trong chiếc giỏ
Rồi lên chùa ngủ trọ qua đêm
Nhà sư thấy giỏ sáng lên
Nói ông cao quý sẽ nên cơ đồ
Thuở Trần Lãm phất cờ một cõi
Không có con nối dõi tông đường
Đức danh khắp phủ Kiến Xương
Ông đem con tới để nương nhờ mình
Thấy Bộ Lĩnh thông minh sáng dạ
Tướng khôi ngô khác lạ mọi người
Minh Công bèn nhận con nuôi (4)
Và giao cai quản mọi người trong quân
Khi Trần Lãm yếu dần rồi mất
Ông nắm quyền đưa tất quân theo
Về vùng hiểm trở núi đèo
Hoa Lư dựa thế chống triều Ngô vương (5)
Thời xã tắc nhiễu nhương loạn lạc
Bởi Ngô Quyền mới thác thôi mà
Người anh vợ Dương Tam Kha
Tiếm ngôi lấy hiệu xưng là Bình Vương
Người con thứ Ngô Xương Văn truất
Dương Tam Kha tự lập làm vương
Mời Ngô Xương Ngập chung đường
Nhà Ngô lúc đó Hai Vương trị vì
Ngô Xương Ngập mất vì bệnh nạn
Ngô Xương Văn gặp loạn phục binh
Khiến cho cát cứ nổi đình
Loạn mười hai sứ quân binh xưng hùng
Đinh Bộ Lĩnh khắp vùng dẹp loạn
Hoặc chiêu hàng kết bạn tri giao
Cả mười hai sứ anh hào
Quy về một mối thu vào giang san
Ngô Xương Xí -Triệu Sơn, Thanh Hóa
Đất Văn Giang là Lã Tá Công
Kiều Công Hãn xứ Châu Phong
Thanh Oai là Đỗ Cảnh Công nổi đình
Bố Hải Khẩu, Thái Bình- Trần Lãm
Vùng Thuận Thành- Lý Lãng tự xưng
Nguyễn Khoan ở phủ Vĩnh Tường
Lãm Công cát cứ giữ Đường Lâm thôn
Nguyễn Siêu lại trú đồn Phù Liệt
Kiều Thuận thì trên miệt Cẩm Khê
Tiên Du - Nguyễn Thủ Tiệp tề
Đằng Châu- Phạm Bạch Hổ về sứ quân
Mười hai sứ dần dần khuất phục
Hoặc dẹp yên, hoặc giục qui hàng
Từ danh xưng Vạn Thắng Vương
Đến xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế sau
Đại Cồ Việt bắt đầu từ đó
Bắt đầu đồng tiền cổ ra đời
Danh xưng Hoàng đế chính ngôi
Triều nghi, định phẩm đồng thời sinh ra
Phong Định Quốc Công là Nguyễn Bặc
Đinh Điền làm ngoại giáp ngoài dân
Lê Hoàn - Thập đạo tướng quân
Lưu Cơ, Trịnh Tú - phúc thần trong cung (6)
Thượng thư tín nhiệm dùng Trịnh Tú
Còn Thái sư triều phủ- Lưu Cơ
Kinh đô triều đại bấy giờ
Là vùng hiểm trở Hoa Lư, Ninh Bình
Việc lựa chọn thông minh sáng suốt
Là địa bàn chiến lược quốc gia
Vừa cho yếu tố nhân hòa
Bởi mười hai sứ dân ta còn sùng
Vừa tránh được Hoa Trung hiểm độc
Làm tinh thần dân tộc thăng hoa
Việc này cũng đã mở ra
Con đường thoát hiểm họa là xâm lăng
Bởi ai cũng biết rằng khi đấy
Nhà Tống mang đòn bẩy chiến tranh
Diệt nhà Nam Hán đã thành
Vùng biên nước Việt yên lành khó thay!
Chỉ tiếc việc không may nghi án
Đầu độc vua là bạn hóa thù
Hay là kẻ mộng mắt mù
Lê Hoàn, Đỗ Thích ai trù diệt ông?
Đinh Bộ Lĩnh đã cùng Đinh Liễn
Hận thiên thu đem đến suối vàng
Tình ngay nhưng lý lại gian
Dễ gì Đỗ Thích mơ làm đế vương?
Kẻ chức vụ quan trường rất nhỏ
Sức tài hèn sao rõ chước mưu
Ngày sau hậu thế phân ưu
Nhiều nhà sử học khảo sưu Lê Hoàn
Ngôi Hoàng đế Lê Toàn đã định
Còn Phó vương nhiếp chính Lê Hoàn
"Đặt mưu hiểm, lập chước gian" (7)
Dương Vân Nga đã mật đàm giết ông?
Đinh Bộ Lĩnh lập dòng con thứ
Người giữ ngôi Thái tử Hạng Lang
Cũng vì ngôi báu tiên hoàng
Khiến Đinh Liễn giận giết quàng cả em
Tư thù đó nếu đem cân nhắc
Dương Vân Nga tin chắc tư thông
Lê Hoàn chống Tống thành công
Khiến dân tha tội bất trung rõ mười
Đền thờ của những người chống lại
Gấp nhiều lần so với thờ ông
Cũng như Dương Hậu trong cung
Đã là minh chứng cho lòng nhân dân
Khi lịch sử có phần chưa tỏ
Cũng khó thay làm rõ trắng đen
Điều cần ghi tạc không quên
Đinh Tiên Hoàng đế đã đem lại gì?
Một Hoàng đế trị vì thánh triết
Lần đầu tên Đại Việt chính danh (8)
Lần đầu xưng Đế rành rành
Lần đầu tiền tệ hình thành về sau
Bao ý nghĩa tô màu sử Việt
Đã mở ra oanh liệt từ đây
Quốc gia thống nhất về tay
Tính dân tộc cũng mang đầy tự tôn
Tứ Tây vị Càn Khôn Đoài Cấn
Tứ Đông phương Tốn Chấn Khảm Ly
Ngàn sau còn thắm hồng kỳ
Theo gương Tiên đế trị vì muôn dân
GHI CHÚ:
(1): Bài thơ tham khảo tài liệu tại
- Nam Hải dị nhân liệt truyện - Phan Kế Bính
- Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Việt Nam văn minh sử- Lê Văn Siêu
- Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản, Nam Định
- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam – 1973
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(2): 22/3/ 924
(3): Đinh Thúc Dự
(4): Trần Lãm
(5): Con của Ngô Quyền
(6): Trường ca chữ Nôm Thiên nam ngữ lục cho rằng:
“Bốn người có nghĩa đồng niên
Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ”.
(7): Lời trong Hoa Lư tự sự (Vân Sàng truyện)
(8): Danh xưng thời kỳ này là Đại Cồ Việt, đã nói trong khổ 21, do những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy quốc hiệu thời kỳ này là Đại Việt và tên gọi này hiện đang được tranh cãi, và vì ý nghĩa của chữ "Đại" và chữ "Cồ" (Tên Đại Cồ Việt 大𡚝 越. Đại là từ Hán-Việt và có nghĩa “vĩ đại: great”; Cồ là một chữ Việt có nghĩa “to lớn, vĩ đại: great“; được ký âm bằng một chữ Hán có âm tương ứng). Kính mời ham khảo theo link sau:
https://vi.
ikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_C%E1%BB%93_Vi%E1%BB%87t
Đó là lý do đưa cả hai tên Đại Cồ Việt và Đại Việt vào bài thơ