lỗi đánh máy
Công ty nọ có cậu nhân viên nghiệp vụ tương đối vững nhưng tính tình cổ quái nên bị Sếp cho nghỉ việc. Trước khi nghỉ việc, cậu ta chỉnh sửa các văn bản, hồ sơ mà mình từng thiết kế mỗi thứ một chút, mà toàn chỉnh sửa những chổ không đâu vào đâu. Ví dụ, sửa 1 số chứng minh của Sếp trong hồ sơ, 1 số tài khoản ngân hàng hoặc 1 căn cứ trong văn bản.
Công ty tuyển lại nhân viên mới, nhưng làm việc thì luôn sai sót, có khi bị cơ quan công chứng trả lại hồ sơ vì sai số chứng minh của Sếp, có khi bị ngân hàng trả lại vì số tài khoản không đúng, có khi hồ sơ bị khiếu nại vì sai căn cứ. Công ty cứ vậy, đuổi người rồi tuyển người đến lần thứ 5 nhưng vẫn bị sai sót. Lúc đó, Sếp mới thấy tiếc vì đã đuổi việc cái cậu nhân viên đầu tiên, vì chỉ có cậu ta mới không để xảy ra sai sót.
Lỗi đánh máy thực ra không phải là đánh sai mà do kế thừa sản phẩm của người khác mà không chịu đánh giá, không cẩn thận. Kế thừa là tốt, nhưng chỉ tốt khi người để lại kế thừa có tâm tính tốt và người nhận kế thừa phải vượt qua cái bóng của người kế thừa.
Học tập mô hình của người khác nhưng không nắm được tâm tính của họ thì càng nguy hiểm hơn. Thấy họ làm hay đấy, nhưng khi chuyển giao cho mình thì không biết có bao nhiều cái bẫy đang gài trong đó, mỗi lúc sai một kiểu, không biết quy luật nào mà sửa cho hết.
Kẻ ma mãnh thì thường luôn để lại những bí kiếp cho riêng mình, bí kiếp đó chưa hẳn là để tạo ra kết quả tốt hơn người khác. Đôi khi, bí kiếp đơn giản là ai đi theo con đường của mình thì phần lớn là thất bại.
Đặng Hoàng Vũ (26/9/2016)
Bài này đã được xem 1247 lần
|
Người đăng:
|
Bay Vu
|
|
|