Poem logo
Poem logo

lời muôn thú - phần 2

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ
LỜI MUÔN THÚ
(PHẦN 2 – CÂU CHUYỆN TRONG NÒ)

Miền Tây có nhiều sông nước nên người dân ở nơi đây thường có tập quán chặn dòng kênh nhỏ lại bằng những chiếc “Nò” để đánh bắt cá, tôm.

“Nò” là một dụng cụ được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, nhưng thông thường là bằng tre, nứa hoặc trúc. Nó có dạng hình ống, có đáy, thông thường là không có nắp đậy để dễ trút, đổ cá tôm ra ngoài sau mỗi con nước lớn, ròng vì “Nò” đặt theo chiều đứng vuông góc với mặt nước và khá cao so với mặt nước nên ít khi cá tôm nào nhảy ra được.

Một hôm, có con cá đang bơi thẳng về phía trước thì gặp con tôm đang giật lùi về phía sau. Con cá thấy chướng mắt nên nhếch miệng chưởi “nước đang chảy về phía trước mà không chịu bơi theo, lại nhảy giật lùi như thằng điên”. Con tôm nghe chưởi bực mình phân bua “Anh có vây, có vảy thì nước chiều nào Anh bơi theo chiều đó được. Tui không có vây, có vải như Anh, lại thêm cái lưng cong nên phải nhảy giật lùi thì mới kiếm được miếng ăn. Giật lùi cũng là cách để tập cho cái lưng nó thẳng ra như Anh đấy”.

Con cua lặn hụp gần đó nghe thấy nên chỉa mồm vào “Nó giật lùi không phải vì lưng nó cong đâu, mà vì cái đầu nó chứa nhiều cức đấy. Mấy đứa mà đầu nhiều cức thì thường lưng nó cong, Nó giật lùi cho nước bào mòn cục cức trên đầu nó nhỏ lại”. Con tôm nóng mặt chưởi “Ê, cái thằng què kia, chân mày cái to, cái nhỏ nên tiến không được mà lùi cũng chẳng xong, cứ bò ngang như mày thì bao giờ đến nơi mà xía mồm vào”.

Gần cuối con nước, cả ba con cá, cua và tôm, kể cả con ốc gặp lại nhau trong cái Nò:

Con tôm hỏi con cá “Anh có nhiều vây, vảy mà sao đến nỗi phải chui vào đây?”. Con cá trả lời “vây, vảy là để theo dòng nước mà, xui quá nước nó chảy vào đây thì mình cũng phải vào theo chứ. Ước chi nước chỉ có một chiều chứ không phải là hai chiều nước lớn và nước ròng”.

Con cá buồn rầu hỏi lại con tôm “Chú mày toàn nhảy giật lùi, nước nó chảy vào đây thì sao chú mày không đi mà nhảy giật ra ngoài?” Con tôm ủ rũ không kém con cá “Thì Em cũng nhảy giật rồi đó chứ, nhưng Anh thì vào lúc nước ròng, còn Em thì vào lúc nước lớn. Thấy nước lớn Em ham, Em giật một hồi thì vào đây, ước chi Em cũng có vây, có vảy giống Anh để bơi theo con nước luôn mà không phải giật vào trong này”.
Con cua chẳng nói tiếng nào, lúi húi trèo được lên cái thành Nò một đoạn rồi lại rơi xuống, cứ thế nó trèo rồi lại rơi. Con tôm còn tức chuyện lúc sáng nên soi mói “Ê, cái thằng què kia, mày trèo vô ích thôi, cái loại bò ngang có bao giờ bò lên được cao đâu mà cố”. Con cua nóng mặt quát “Tao ngang nhưng mà đầu Tao không có cức, chí ít là Tao trèo được một đoạn còn hơn là tụi mày thằng có vây, có vảy giờ đang khóc lóc với thằng đầu có cức”.

Con ốc im lặng, chẳng nói tiếng nào, nó chậm rãi bò, đến gần hết con nước thì cũng trèo lên được thành Nò. Nó nhìn xuống thấy ba đứa kia còn đang chưởi nhau, Nó thì thầm “Đứa nào cũng chưởi mình chậm, nhưng nhanh hay chậm nào có thành vấn đề đâu, vấn đề là đứa nào thoát khỏi cái Nò này trước. Tụi nó cứ lo cái chuyện có vây hay có vảy, bơi ngược hay bò ngang, bơi nhanh hay bơi chậm, nhưng mình thì chỉ quan tâm là đứa nào sống được trong mọi hoàn cảnh. Giờ vô Nò rồi thì có vây hay có vảy, bơi ngược hay bò ngang thì cũng chờ mà chết chung với bọn đầu nhiều cức mà thôi”. Nói rồi, con ốc bò đi mất.

Hết con nước, người ta trút, đổ cái nò có ba con cá, tôm và cua, chỉ có cái Nò mới hiểu là con ốc đã từng đến thăm và đi trước khi hết con nước ròng.

Đặng Hoàng Vũ (04/01/2017)
(LỜI MUÔN THÚ, Đã có phần 1 – SỰ TÍCH 12 CON GIÁP)

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm