Poem logo
Poem logo

vesak 2018 - tụng kinh & sự tu tập theo buddhasasana

Tác giả: Khmer Kampuchea Krom
"Vui thay Phật ra đời
Vui thay giáo pháp được vang
Vui thay tăng già hòa hợp
Vui thay tứ chúng đồng tu".

Ngày mai là lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp: Siddhārtha sanh ra; Siddhārtha Thành Đạo (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni); Đức Phật nhập Đại Niết Bàn. Hiện tại, tôi đang đỗ bệnh nhưng tôi vẫn còn minh mẫn để chia sẻ cảm nghĩ của riêng tôi về vài vấn đề cần thiết. Có thể cần thiết đối với tôi!

Chúng ta, là người theo Phật thì phải biết cái gì Là Tứ diệu đế; Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Mười hai nhân duyên, tin vào nghiệp - quả... Phải có khao khát thực hiện những lời Đức Phật dạy. Chứ không phải chỉ thực hiện những nghi thức, tín ngưỡng, phong tục rồi xem như thỏa mãn.

Đức Phật luôn dạy chúng ta nên nhìn lại chính mình, luôn phải sống với chánh niệm, luôn tác ý rằng cái chết có thể bất cứ lúc nào. Hãy xem từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm bất cứ lúc nào cũng phải chánh niệm minh sát thân và tâm mình, đặc biệt là tham sân si. Ba anh này là người bạn đường của chúng ta trong suốt vô lượng kiếp sống.

Một năm trôi qua, vậy thử tự hỏi mình rằng: "Giữa mùa Vesak năm nay và những năm trước sự thực tập giáo pháp của chúng ta có gì tiến triển không. Tâm tham sân si có giảm đi chút ít nào không? Chúng ta có thân thiện hơn trong mắt bậc trí không?". Chúng ta phải chú tâm điều này.

Nói theo tục đế thì tôi là một kẻ phàm phu vô danh chẳng có gì hay ho cả nên tôi rất ngại mỗi khi chia sẻ hoặc tâm sự điều gì đó! Vì tôi sợ "Trung ngôn nghịch nhĩ" với thiên hạ. Nhưng ngày mai là kỷ niệm hai năm tôi được Quy Tam bảo và có pháp danh trong đạo nên tôi sẽ nói ra những sai lầm của vài dạng Phật tử mắc phải, những sai lầm đó tôi cũng từng mắc phải khi mới đến với đạo.

Có rất nhiều loài hoa rất thơm nhưng hương thơm nào sánh bằng hương đức hạnh. Bạn có thể dùng các loại dầu thật thơm nhưng cái thơm đó chỉ là cái thơm giả tạm che đi cái bất tịnh của thân và tâm, trong khi bạn không đủ giới hạnh, không đủ trí tuệ thì cái thơm đó giúp gì cho bạn ngoài việc khiến bạn bị lôi cuốn vào dục vọng, Ích kỉ. Bạn có thể nói tôi không được thơm, nói tôi tại sao không dùng dầu thơm? Tôi không dùng dầu thơm vì đối với tôi hương đức hạnh là hương trong sạch và cao quý nhất. Đối với tôi, cái tấm thân này không quá hôi thối là được, chứ không cần phải thơm, thơm để làm gì đối với một người luôn nhận thức rằng tấm thân này là bất tỉnh, thơm để làm gì đối với những người tu tập đoàn diệt thân kiến, tham ái, sắc dục? Hãy nhớ rằng, thực tập giáo pháp khiến chúng ta thấy ra và nhận biết phiền não, từ đó chúng ta sẽ đoạn diệt chúng từ từ. Tất cả mọi phiền não hay cái ác điều xuất phát từ tham sân si. Hương đức hạnh có thể đoạn diệt được tham sân si còn hương thơm từ dầu hoa thì không thể hoặc thậm chí còn khiến chúng ta tham lam, sân hận, si mê hơn nữa.

Tâm tham sân si là nguồn gốc của những điều bất thiện, là nguyên nhân khiến người ta làm điều ác, khiến cuộc sống tràn ngập đau khổ. Tham sân si đã tự hại chính bản thân và vô số người, chúng sanh xung quanh. Tác hại của tham sân si là vô số. Tại sao là vô số ? Vì nó nhiều quá kể không hết.

Tâm tham là do sự tác ý say đấm vào 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Cho nên chúng ta làm bao nhiêu là tội ác để tìm kiếm theo đuổi nhằm để có được những thứ mình có và khi có được rồi chúng ta phải làm mọi điều bất thiện để giữ gìn nó. Ngay cái giai đoạn đầu tìm kiếm mình đã làm rất nhiều cái ác, có được nó mình hưởng thụ và duy trì nó rồi mình tạo thêm nhiều cái ác nữa. Đó là tội khổ do tham mà ra.

Tâm sân là do không vừa lòng cái này cái kia cho nên chúng ta tìm đủ cách để đối phó, trốn chạy cái mình ghét, để đối phó cái mình không thích thì việc ác nào mình cũng làm hết. Ví dụ như: Vì sợ bệnh bắt con Tắc Kè móc mắt bỏ vô bình rượu ngâm, rồi bắt rắn con, rắn mẹ, bìm bịp ngâm rượu uống để chữa bệnh thấp khớp đau nhức... Vì mình muốn giải quyết những khó chịu của người thân, của bản thân, chuyện gì mình cũng làm hết. Đó là tội ác của tâm sân .

Tâm si là do không hiểu 4 đế (khổ, tập, diệt, đạo) cho nên chúng ta làm đủ thứ tội ác, chạy theo 2 hướng hành động bằng sự tác động của tham và sân. Chạy theo hướng hành động nào cũng có nghĩa là đang chạy theo sự tác động của si mê. Cho nên bản thân của si cũng là gốc của tội khổ trầm luân.

Đức Phật thành đạo và giản đạo vì mục đích giúp cho chúng ta hiểu được chân lý, hiểu được nguyên lý tu tập nhằm đoạn diệt tham sân si. Thế nên vào ngày Tam hợp Vesak ngoài làm những lễ nghi tín ngưỡng thì chúng ta phải dành chút ít thời gian ra để tu tập. Đó là nhớ Đức Phật, đó là kính trọng biết ơn Đức Phật. Đệ tử Đức Phật thì phải thực tập làm theo Đức Phật dù ít dù nhiều cũng phải có làm, làm phải nhiệt tâm. Chứ tự xưng là Phật tử mà không chú tâm và thực tập theo lời ngài dạy chỉ biết bày ra vô số lễ nghi rườm rà và tụng niệm, quỳ lạy, cầu xin thì thật là vô ích và chưa xứng đáng là Buddhaputta đệ tử Đức Phật.

Chúng ta phải hiểu thế nào là đệ tử Đức Phật, thế nào là sự tu tập theo Phật giáo. Rất nhiều người đã hiểu rằng: Tu tập trong Phật giáo là đến chùa cầu nguyện, tụng kinh, trì chú, ăn chay, niệm Phật, lạy Phật hoặc nghe thuyết pháp, nghe tụng kinh là xong...vv những việc này chưa hẳn là sự tu tập theo Phật giáo bởi vì những điều trên không giúp chúng ta thanh lọc tâm đoạn diệt tham sân si.

Ở xứ tôi đang sống thì trong truyền thống Phật giáo nguyên thủy thì không quá chú trọng đến việc ăn gì, lạy cái gì hay trì chú nào...vv nhưng theo tôi thấy thì cả hai hàng tại gia và xuất gia của Phật giáo nguyên thủy đều chú trọng đến việc tụng kinh. Và bản thân tôi cũng rất muốn biết tụng kinh cho theo bạn theo thầy nhưng thật sự tôi rất tệ về lĩnh vực tụng niệm này! Hôm nay tôi sẽ không nói về nguồn gốc hay ý nghĩa của Vesak vì tôi không có ý tìm hiểu về điều này. Thay vào đó tôi sẽ chỉ chia sẻ quan điểm của tôi và Đức Phật về việc tụng kinh là chính và giới thiệu Tứ niệm xứ cho những ai chưa biết đến. Hy vọng sẽ có ai đó thấu hiểu và có một thái độ đúng đắn hơn về những điều này!

Ở xứ tôi và trí thức bình dân của nhiều Phật tử họ tưởng rằng: tụng kinh là cách giúp họ và gia đình gặt hái phước báu. Nhiều người khác thì cho rằng tụng kinh để được Đức Phật phù hộ cho được sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi, mua may bán đắc, làm ăn phát tài cho nên họ thường thỉnh các vị Sư đến nhà tụng kinh. Những ý nghĩ sai lầm như vậy đã khiến việc đọc tụng kinh điển trở thành một nghi lễ mang tính chất mê tín, cầu xin sự ban phước, khác xa với ý nghĩa thực ban đầu của việc tụng đọc kinh.

Chúng ta cần biết rằng đọc kinh hay tụng kinh cái yếu tố quan trọng nhất là hiểu được ý nghĩa của kinh điển để mà chúng ta thực tập trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hạnh lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc chứ không phải tụng đọc một cách máy móc, như một nghi lễ.

Ví dụ như câu kinh Pāḷi này, chính là lời giải của Đức Phật mà Phật tử thường được nghe tụng nhưng không phải ai cũng hiểu:

"Aniccà vata sankhàrà
Uppàda vaya dhammino
Uppajjitvà nirujjhanti
Tesam vupasamo sukho".

Có nghĩa là: Các Pháp Hữu vi (hành) thật không bền vững (vô thường), do có tánh sanh diệt là thường. Vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ não. Chỉ có Niết-bàn là Pháp Tịch diệt, dứt các Pháp Hữu vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối.

Aniccà: vô thường
Vata: quả thật
Sankhàrà: hành, hữu vi
Uppàda: sinh, thành
Vaya: hoại diệt
Uppajjhati: sinh
Nirujjhati: diệt
Vupasama: tịch diệt, tiêu mất, lắng dịu. (Vô mô Thiền Tự).

Đối với một người không được học Pāḷi và dốt kinh Pāḷi như tôi không tìm hiểu thì bản thân tôi cũng không biết trọn vẹn ý nghĩa của câu Phật ngôn này.

Như thế, mục đích của việc tụng kinh trong đạo Phật không phải để trả bài, để ra oai với người hay tính công với Phật, mà là để tìm hiểu chính xác ý nghĩa lời Đức Phật dạy, rồi chúng ta ứng dụng vào cuộc sống thường ngày. Tụng kinh không phải để cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho mình hay người thân tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, thăng quan tiến chức, làm ăn giàu sang, sống lâu sắc đẹp, muốn gì được đó. Thời Phật không có việc tụng kinh mà chỉ có giảng pháp giúp người ta hiểu được thế nào là tam tướng: khổ, vô ngã, vô thường, hiểu được tại sao khổ, hiểu cách tu tập làm sao để tuệ tri tam tướng này nhằm nhằm chán, ly tham, đoạn diệt ác pháp, hướng đến sự giác ngộ giải thoát.

Để tụng kinh đúng cách để có sự lợi ích thì chúng ta phải hướng tâm vào nội dung kinh, phải hiểu kinh nói gì, không phân biệt ngôn ngữ, luôn ghi khắc sâu những điều Đức Phật dạy rồi ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống, để đối trị đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân. Nếu chúng ta biết tụng kinh như vậy thì sự tụng kinh đó là một sự tu tập: bỏ ác làm thiện, thanh lọc và an tịnh thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong mỗi chúng ta. Khi tụng kinh có nhiều lợi ích như trên thì chúng ta mới chuyên tâm tụng kinh nghĩa là tụng đi đôi với hành động tu tập, còn khi tụng kinh một cách máy móc không có lợi ích, không có hiểu ý kinh, không có sự tu tập theo lời tụng thì tôi thiết nghĩ chúng ta không nên tụng kinh làm gì cho mệt nữa, nếu có tụng thì chỉ làm màu làm mè cho người khác xem thôi!

Việc tụng kinh sẽ không có phước báu gì cả, nếu chúng ta đọc tụng không có sự chú tâm vào lời kinh để tìm ra ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Các hình thức và thói quen tụng kinh như một cái máy lập đi lập lại hằng ngày, sẽ không mang lại kết quả thực tiễn nào cả, ngược lại nó còn làm mất thời gian công sức của chúng ta mà không có ích lợi gì cả. Kinh sách ghi lại lời dạy của Đức Phật được ví như tấm bản đồ hướng dẫn chúng ta sống đời sống chân chánh có đạo đức và phạm hạnh cao quý, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Chúng ta nhìn tấm bản đồ thì phải biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích. Con đường đó là con đường thánh gồm tám chi phần thường gọi là Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ðây là con đường mà chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được sự giác ngộ, an lạc và giải thoát. Chúng ta tụng kinh thì cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo - Bát chánh đạo đó để tự thực tập tự cứu độ chính bản thân mình và hướng dẫn đến người khác.

Việc tụng kinh ban đầu xảy ra khi người xưa chưa có sự ghi chép nên người xưa mới học thuộc và tụng niệm trao truyền nhau nhằm lưu giữ lời Đức Phật dạy.
Việc tụng kinh nhiều hay ít không quan trọng nữa khi chúng ta đã hiểu rõ lời Đức Phật dạy và áp dụng vào sự tu tập hằng ngày. Cho dù chúng ta không có nhiều thời gian, thân chúng ta có thể mang bệnh và tâm chúng có thể có phiền não nhưng mỗi khi chúng ta thực tập lời Phật dạy thì chúng ta cảm thấy được tâm bình an, thanh thản, dù chỉ là trong một vài giây thôi, nó cũng đem đến một sự khác biệt rất lớn những đau đớn hay sầu khổ sẽ giảm đi rõ rệt. Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải lựa chọn, vậy hãy lựa chọn sự bình an cho tâm hồn mình bằng cách thực tập theo lời dạy của Đức Phật dạy (thiền định Samatha và thiện tuệ Vipassanā), dù chỉ là vài giây ngắn ngủi.

Có hai cách để đoạn trừ các Triền Cái (những phiền não trói buộc lôi kéo con người vào đường sanh tử luân hồi): Một là Bằng Samatha: Có nghĩa là thiền Chỉ (hay thiền Định). Hai là Bằng Vipassanā: Có nghĩa là Tuệ Quán (hay thiền Tứ niệm xứ).

Việc tu tập của Đạo Phật là vượt ra khỏi ranh giới thiện - ác, khổ - vui mà chỉ hướng đến sự đoạn diệt phiền não, buông bỏ không bám víu vào bất cứ điều gì. Người tu tập nói chung và hành giả Phật giáo nói riêng nếu bước vào con đường tu hành mà không tu tập Samatha hoặc Vipassanā thì không được gọi là người tu hành đúng nghĩa.

Như trên đã nói, chỉ có hai cách này dùng để tu tập hướng đến đoạn diệt phiền não. Còn những công phu tu tập như tụng kinh, trì chú, niệm Phật, trì giới, ăn chay, bố thí...vv thì không thể nào dẫn đến sự đoạn diệt phiền não, những công phu tu tập như vậy chỉ hướng hành giả hướng đến con đường thiện và hưởng phước báo nhân thiên do còn tái sanh trở lại.

Giữa thiền Chỉ Samatha và Thiền Tuệ Vipassanā thì:
- Samatha: là kiểu tu dạng lấy đá đè cỏ. Nghĩa là kiểu tu dạng này chỉ chặn sự phát triển của các Triền Cái trong một khoảng thời gian nhất định sau này khi hết phước báo thì vẫn trở lại y như cũ (người tu thiền Chỉ sẽ hưởng phước báo cõi Chư Thiên hoặc Phạm Thiên nhưng khi hết phước báo thì sẽ trở lại vị trí ban đầu đó là Súc sanh, ngã quỷ, A tu la, người). Nên dạng này không dẫn đến sự chấm dứt sanh tử luân hồi.
- Vipassanā: là kiểu tu chặt đứt gốc rễ phiền não hay đoạn diệt hoàn toàn năm triền cái hưởng quả giác ngộ giải thoát; không còn tái sanh luân hồi.

Tôi không phải thiền sư và cũng không phải thiền sinh chuyên nghiệp, tôi chỉ là một người bước đầu tìm hiểu về giáo pháp Buddha-sāsana nên tôi sẽ không nói sâu vào điều này ở đây ().

Đối với riêng cư sĩ tại gia cũng như gia đình tôi, tôi chỉ ước nguyện tất cả mọi người thực sự hiểu thế nào là Thọ trì Tam quy và ngũ giới rồi thực hành theo. Chứ quy y & thọ giới mà không hành trì theo thì đó chỉ là hình thức bên ngoài thôi.

Tôi xin trích lại một đoạn trong loạt bài viết Không tựa... mà tôi đã viết vài hôm trước, hy vọng gia đình và mọi người hiểu:

{...Tại gia hoặc xuất gia điều có sự tu tập khác nhau nhưng không thể nằm ngoài GIỚI - ĐỊNH - TUỆ (Bát chánh đạo).

Việc làm gì nằm ngoài GIỚI - ĐỊNH - TUỆ thì đó chính là những điều không đúng đắn, là tà đạo, mê tín.

Việc tu tập là trở về thấu hiểu chính mình, không hướng ngoại tầm cầu.

Muốn biết một người có tu tập đúng pháp hay không thì hãy lấy Bát chánh đạo đối chiếu.
- Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
- Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
- Tuệ: chánh kiến, chánh tư duy.
Tất cả là những thành tố tâm lý khiến tam nghiệp trong sạch một cách vô ngã.

Dù tài giỏi thông minh như thế nào, dù có chức vị như thế nào trong xã hội, dù có thật nhiều bằng cấp, dù am hiểu thật nhiều ngôn ngữ chữ viết nhưng không có tu tập đúng theo lộ trình Bát chánh đạo thì chẳng có nghĩa lý gì đối với việc tu tập giác ngộ giải thoát, khi thân tâm vẫn còn nguyên vẹn những điều bất thiện vì chẳng thể thâm nhập giáo pháp và tận hưởng hướng vị của giáo pháp.

Hãy phân biệt thật rõ giữ Buddha-sāsana và truyền thống dân tộc để đi đúng con đường mình chọn.

Đạo - đời song hành nghe thì rất hay nhưng không khéo những tín ngưỡng của dân tộc sẽ khiến con đường đạo pháp Buddha-sāsana không ra gì cả.

Thôi kệ. Không phải lúc nào cũng dùng từ này được. Vì nhiều lúc "thôi kệ" thì khiến mình tấn hóa hơn trong việc thanh lọc nội tâm và cũng nhiều lúc "thôi kệ" sẽ khiến nội tâm ngày càng trở nên ô nhiễm.

Đừng đi sai hướng. Hãy đặt tâm đúng hướng.
Sẽ không bao giờ thanh thản khi đặt tâm sai hướng. Sự bất mãn hay tham đắm, sự ức chế, bị ràng buộc, khó chịu, không tinh tấn là những điều không tránh khỏi khi đặt tâm sai hướng.

Muốn thành công trong việc duy trì thực tập chánh pháp, tiếp bước trong con đường Buddha-sāsana thì nhất định phải phải buông bỏ những thứ cần buông bỏ, tiếp cận những điều cần tiếp cận, tu tập những điều cần tu tập có như vậy mới có thể chứng đạt những thứ cần chứng đạt.

Tôi sẽ dừng lại khi không đi đúng con đường mình mong muốn và cần phải đi.
Đi không đúng đường thì đích đến không bao giờ chính xác, cho dù nó có tốt đẹp như thế nào đi nữa!

Đúng là mỗi người điều có nghiệp riêng. Nhưng nghiệp ấy là hành động tự do của thân miệng ý trong quá khứ hoặc hiện tại chứ không phải định mệnh hay sự sắp đặt của một Đấng nào cả. Mỗi người có một sự lựa chọn. Có những bài học giác ngộ phải tự mình hóa giải. Có những hương vị phải tự mình nếm thử.

Khả năng giao tiếp tốt thì chỉ cần luyện tập thì sẽ thực hiện được. Còn khả năng giác ngộ giải thoát thì phải có đạo lộ tu tập đúng đắn chứ không phải chỉ cần những kiến thức suông như hiện tại là đủ.

Cảm thọ: Sự đau khổ hay niềm hạnh phúc đóng một vai trò quan trọng trong việc phấn đấu tiến đến giác ngộ. Không bám víu vào bất cứ bên nào!

Có một điều phải công nhận rằng:
Có khổ đau mới có sự quyết tâm thực tập thấu hiểu và đoạn diệt khổ đau ấy.
Còn khi quá an phận với niềm vui hay lợi dưỡng thì rất khó để có được sự quyết tâm tu tập thoát khỏi khổ đau ngủ ngầm.

PHẢI BỎ QUA NHỮNG LỜI NÓI CỦA NGƯỜI KHÁC, KHI MÀ NHỮNG LỜI NÓI ẤY KHIẾN NỘI TÂM KHÔNG THANH THẢN.

Hãy xem lại thái độ và hành vi của mình nó có xứng đáng với vị trí hiện tại hay không? [23/4/2018]. Hết đoạn trích.}

Tâm chúng ta thanh tịnh hay ô nhiễm cũng bởi do ta, không ai có thể khiến ta thanh tịnh hay ô nhiễm. Chúng ta phải nhớ rằng: "Không có bất cứ thứ gì trên đời mang lại tai ương và bất hạnh bằng cái tâm không được tu tập". Đến với Đạo Phật là đến với sự tu tập ly dục, ly bất thiện pháp và hành thiện, tăng trưởng thiện, tu tập thiền tuệ thanh lọc thân tâm chứ không phải đến với Đạo Phật bằng sự cầu xin, học thức, bằng cấp, nghi lễ tụng niệm...vv. Đây chỉ là đáp ứng nhu cầu của xã hội thế tục thôi, chúng ta phải thực tập những điều xuất thế mặc dù chúng ta vẫn tiếp xúc với xã hội thế tục.

Trong xã hội hiện nay mọi người có thể rất khó chấp nhận một vị Sư không biết tụng kinh. Nhưng trong thực tế, việc có biết tụng kinh hay không hoặc tụng kinh giỏi hay dỡ không có ảnh hưởng đến việc tu tập tuệ quán thanh lọc tâm đoạn diệt phiền não. Vì người không biết tụng kinh họ vẫn biết thực tập Samatha hoặc Vipassanā. Và Đức Phật ngài cũng có nói về việc tụng kinh và việc thực hành giáo pháp là hai chuyện khác nhau hoàn toàn.

Để kết thúc bài tâm sự của tôi nhân dịp kỳ lễ Vesak năm nay.
Chúng ta hãy xem Đức Phật nói gì về việc tụng đọc kinh điển qua hai câu pháp cú sau được tôi trích ra từ Dhammapada/Pāli/Nikaya.

Câu số 19 thuộc Phẩm song yếu:

"Dù tụng nhiều kinh điển
Không hành trì, phóng dật
Như kẻ chăn bò người
Không phần Sa môn hạnh".

Câu kệ trên có nghĩa là nếu chúng ta tụng nhiều kinh điển nhưng chúng ta không hiểu ý kinh hoặc hiểu ý kinh nhưng chúng ta sống phóng dật, buông lung không thực hành theo ý kinh chỉ dẫn để ly dục ly ác pháp thì chúng ta chẳng hưởng được lợi ích gì của giáo pháp mà chỉ hưởng được sự cung kính tạm thời, lợi dưỡng hay danh tiếng mà thôi, có nghĩa là chúng ta không có đủ phạm hạnh của Sa môn, cái này nó chẳng khác gì người giữ bò mướn cho người khác, chỉ lo giữ bò đếm bò như một nhiệm vụ hay một thói quen nhưng thật sự thì mình chẳng có gì cả, ngoài những đồng tiền lương bởi công việc chăn bò của người khác.

Và câu 20 cũng nằm trong phẩm song yếu, thuộc Dhammapada luôn nhưng nó ngược lại câu Kệ trên và có ý nghĩa lợi ích thiết thực:

"Dầu tụng ít kinh điển
Nhưng hành pháp, tuỳ pháp
Từ bỏ tham, sân, si
Tỉnh giác, tâm giải thoát
Không chấp thủ hai đời
Dự phần Sa môn hạnh".

Câu này có nghĩa rằng nếu ai đó tuy tụng ít kinh mà thường nương theo hành trì, hiểu biết ý kinh một cách chân chánh, có ý chí nguyện vọng tu tập từ bỏ tham sân si, có tánh tâm hiền lành, thực tập chánh niệm tỉnh giác, giữ thân tâm thanh tịnh, giải thoát khỏi mọi ước muốn luân hồi, xa bỏ thế dục. Hạng người này thì dù ở cõi này hay cõi khác, nơi này hay nơi kia, dù không đắp y cạo đầu vẫn hưởng phần lợi ích của Sa môn, tức là hương vị của giáo pháp.

Sau khi đọc hai kệ thuộc Dhammapada này, tuy Đức Phật nói về hàng Sa môn tức bậc xuất gia chân chánh nhưng tôi thấy rằng lợi dạy trong hai câu Pada này đều thích hợp cho cả tu sĩ và cư sĩ phải nương theo, không có phân biệt Upasaka hay Upasika gì cả.

Chúng ta, không nên quá tập trung quá nhiều thời gian vào việc tụng niệm kinh điển, tuy điều này vẫn có lợi ích nhưng không lợi ích thiết thực bằng việc chúng ta hiểu ý kinh và bắt đầu thực tập theo. Và đừng để một người vì không thể nhớ và tụng được kinh điển phải "dừng" lại đời sống xuất gia. Cái chết có thể đến với tất cả chúng ta bất cứ lúc nào, nếu chúng ta dành tất cả thời chỉ để học và tụng niệm kinh điển thôi thì quả thật lợi ích cho sự giác ngộ giải thoát không có, hãy chấp nhận căn cơ của từng người - không phải ai cũng giống như ai được, phải đặt sự tu tập tiến đến giác ngộ giải thoát lên hàng đầu. Việc biết nhiều kinh điển hay không, không quan trọng bằng việc chúng ta có thực tập theo ý kinh hay theo chân lý hay không. Có thể chúng ta biết ít kinh điển nhưng chúng ta thành tâm thực tập thì chắc chắn sẽ sẽ có quả lợi ích cho sự giác ngộ giải thoát ngay lập tức, bởi vì pháp của Đức Phật là thiết thực hiện tại, vượt qua thời gian và không gian, đến để mà thấy, do người có trí tự mình chứng nghiệm. Có sự tu tập đúng đắn, có sự giác ngộ, có nếm được hương vị giải thoát thì chúng ta mới có thể nói rằng chúng ta báo hiếu được Ba Mẹ, trả được ân Tam bảo, đàn na tín thí, chúng sanh muôn loài.

Bản thân tôi là một người mang nhiều nghiệp bất thiện từ kiếp trước nên sức khỏe không tốt, trí nhớ kém và thường xuyên đỗ bệnh nhưng ngược lại tôi cảm thấy mình có phước hơn nhiều người vì tôi được gặp giáo pháp và có thực hành giáo pháp.

Xin lỗi gia đình. Ước nguyện gia đình hiểu được tôi cần gì, đừng hy vọng tôi phải làm gì! Bản thân tôi bệnh là một cơ hội tốt để tôi thực hành Vipassanā để chính bản thân tuệ tri ra tam tướng: vô thường, vô ngã, khổ. Xin mọi người đừng quá lo lắng đến tôi, đừng làm tôi phải lưu luyến bận tâm mà không có thời gian tu tập. Chính sự vô minh và ái dục khiến tôi và gia đình phải chịu khổ, phải chịu sự lưu chuyển từ vô thuỷ. Việc xuất gia không chỉ đơn giản là việc cạo bỏ râu tóc, đắp Y cà sa và rời khỏi ngôi nhà nhỏ để đến một ngôi nhà lớn hơn gọi là Chùa để học những kiến thức, theo đuổi bằng cấp danh tiếng mà xuất gia đúng nghĩa là sự tu tập rời khỏi tam giới, rời khỏi tham sân si, phải có lộ trình tu tập đúng đắn theo Trung đạo - Bát chánh đạo. Nếu đi không đúng con đường thì không bao giờ không đến được đúng đích. Hãy cho tôi thời gian ngắn ngủi của cuộc đời để thực hành giáo pháp chứ đừng khiến cho tôi dùng thời gian ngắn ngủi này để học những kiến thức suông, kinh tụng suông chẳng mang lại sự giác ngộ giải thoát. Thứ tôi cần khi mang tiếng nhà Sư là gặp được bậc thầy, bạn đồng tu có tâm huyết với giáo pháp, có lối sống chan hòa, có ý nguyện thực tập theo Bát chánh đạo, có cơ hội tu tập Tứ niệm xứ chứ tôi không bao giờ muốn sự lợi dưỡng, cung kính, kiến thức hay bằng cấp chức vụ gì cả.

Một người xuất gia là một người chấp nhận cái chết có thể đến lúc nào nhưng cái chết đó phải là cái chết trong Chánh niệm chứ không phải cái chết trong sự sợ hãi nuối tiếc, bám víu, tham ái, sân hận, si mê. Gia đình của người xuất gia cũng phải hiểu điều này để mà trợ duyên hoặc không gây chướng ngại cho người xuất gia.

Tôi xuất gia không phải vì dân tộc, không phải vì truyền thống, không phải vì lợi dưỡng cung kính, không phải vì bằng cấp. Tôi xuất gia bởi vì tôi muốn biết thế nào là giáo pháp Buddha-sāsana, nào là Tứ niệm xứ, nào là chết một cách chánh niệm, thế nào gọi là cái chết của sự đoạn diệt phiền não và nhận ra bản chất hay thân phận thật sự của mình.

Tôi luôn nhớ hai câu của một vị Bhikkhu và một Upasaka nói với tôi, đó là.
Upasaka: Nếu tu hành mà không có giới hạnh và trí tuệ thì rất thiếu nợ đàn na tín thí.
Vị Bhikkhu: Thời đại bây giờ không có trình độ học vấn thì không được trọng - dụng đâu.

Khi nghe hai câu này bạn nghĩ như thế nào? Đối với tôi, giá trị con người không y cứ vào bằng cấp mà là trí tuệ và đạo đức. Bằng cấp, kiến thức quả thật ngoài đời là điều mọi người đều mong muốn nó giúp người ta có được địa vị, danh tiếng và tiền bạc; nhưng trong đạo giải thoát thì trí tuệ và đạo đức (phạm hạnh) mới thực sự là điều cần thiết.

Khi tôi đi không đúng con đường tôi cần thì tôi sẽ dừng lại. Và bắt đầu lại từ đầu, bằng cách chậm lại nhưng chắc chắn hơn. Con đường ấy có thể sẽ cực nhưng không khổ và sẽ giảm đi những đóng nợ đời, nợ đàn na tín thí!

Tôi luôn ước nguyện những điều này trở thành hiện thực:
- Gia đình đều quy y Tam bảo và hộ trì năm giới.
- Tránh xa những điều mê tín, cầu xin vô ích.
- Ước nguyện gia đình hiểu thế nào là xuất gia vì truyền thống dân tộc, thế nào là xuất gia gieo duyên và thế nào là xuất gia Ba la mật.
- Ước nguyện gia đình hiểu thế nào là sự quan tâm, thế nào là bận tâm, thế nào là lo lắng vô ích chỉ tạo ra khổ đau.
- Ước nguyện bản thân tôi thoát khỏi chứng trầm cảm, gặp được bậc thầy có giới hạnh và kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ.
- Ước nguyện gia đình tôi tuệ tri được sự khổ thân là Anattā, Aniccā.
- Ước nguyện gia đình tôi thoát khỏi sự khổ tâm bằng pháp hành thiền tuệ.
- Nếu còn luân hồi trong kiếp sống thì ước nguyện rằng: Tôi và gia đình có đủ duyên tiếp cận giáo pháp chân chánh và hành trì giáo pháp ấy.
- Ước nguyện tất cả chúng sanh thoát khỏi vô minh bằng sự thực tập giáo pháp (Buddha-sāsana).

Ước nguyện khác nhau hoàn toàn với sự cầu xin.

MUỐN ƯỚC NGUYỆN MỘT ĐIỀU GÌ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC THÌ CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI ƯỚC NGUYỆN PHẢI "VĂN - TƯ - TU" GIÁO PHÁP.

Trước ngày Vesak 2018 tại Chùa Nam Tông Khmer Kossom

Chúc tất cả hưởng được sự an vui và trí tuệ.

#Cittasamādhi

*

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm