tiếng nước tôi
TIẾNG NƯỚC TÔI
- Do đặc điểm phát âm của vùng miền, do thói quen... mà hiện nay, việc viết sai chính tả tràn ngập trong các bài xuất bản trên net. Và ngay cả trên các tờ báo lớn xuất bản hàng ngày.
- Một nội dung quan trọng nữa, đó là quy tắc viết hoa; Cũng như dùng danh từ riêng để đối với danh từ chung trong cặp đối của thơ TNBC Đường luật. TD có một vài ý kiến trao đổi, với mong ước mọi người khi xuất bản thơ, văn trên net khắc phục được các lỗi trên.
I/ VỀ CHÍNH TẢ:
Chữ Quốc ngữ cho đến ngày nay, cơ bản đã chuẩn hóa và thống nhất về cách đọc, cách viết. Tuy nhiên, do cách phát âm của các vùng miền, nên rất nhiều người vẫn viết sai chính tả. Sai do viết theo âm nói; Sai do thói quen, dù đã được người khác nhắc và họ đã nhận ra sai, nhưng khi viết vẫn cứ bị.
Người miền Bắc hay dùng lẫn lộn ở ở các phụ âm đầu: CH- TR, D- R- GI, L- N.
Người miền Nam hay dùng lẫn lộn ở phụ âm đầu V- D và phụ âm cuối N- NG.
Người miền Trung hay dùng lẫn lộn ở dấu HỎI- NGÃ.
Có một số mẹo đơn giản để khắc phục như sau:
1/ Quy tắc về thanh dấu.
Trong tiếng Việt, từ xa xưa đã hình thành quy luật trong thanh dấu, để câu nói trở nên giàu âm điệu. Có khi, lời nói chuyện bình thường mà nghe như câu hát vậy.
- Thanh NGÃ thường được ghép với thanh huyền và thanh nặng. Vd: Bẽ bàng, hững hờ, thờ thẫn, vờ vĩnh, lũ lượt, gạ gẫm... (Chỉ có một vài ngoại lệ như: khe khẽ, sa ngã).
- Thanh HỎI thường được ghép với thanh sắc và không dấu. Vd: Ngẩn ngơ, lơ lửng, mê mẩn, khắc khoải, nức nở... (Chỉ có một vài ngoại lệ như: Lẳng lặng, cụt lủn, trụi lủi...)
2/ Một số âm hay bị lẫn lộn:
- Viết đúng S và X:
Kết hợp âm:
X thường đi với các vần oa, oă, oe, uê. S thì không. Vd: Xoa đầu, xoay người, cây xoan, xoắn xít, tóc xoăn, xoen xoét, xuề xòa, xuyên thấu… (Một vài ngoại lệ như: rà soát, kiểm soát, soạn bài, suýt soát, sột soạt, sờ soạng…)
Láy âm:
X thường láy âm với các âm đầu khác, S thì không. Vd: Bờm xờm, lao xao, lòa xòa, liêu xiêu, lộn xộn, lì xì, xoi mói, xích mích…
Từ vựng:
Tên các món ăn uống và tên các đồ vật liên quan đến việc nấu nướng, ăn uống thường dùng X. Vd: Xôi, xa lát, lạp xưởng, xúc xích, cái xô, cái xoong, cái xiên…
Các danh từ còn lại dùng S. Vd: Ông sư bà sãi, cây sen, ngôi sao, ngoài sân, con sông, cây sim, cái sọt, sợi dây... (Một vài ngoại lệ: Xe, xuồng, cây xoan, cây xoài, trạm xá, xương, xúc xắc…)
- Viết đúng L và N
Về âm đệm:
L thường đứng trước âm đệm, còn N thì không. Các vần có âm đệm trong tiếng Việt là oa, oă, uâ, oe, uê, uy. Gặp các âm đệm này, bạn cứ viết L. Vd: lòa xòa, cái loa, qua loa, loắt choắt, luẩn quẩn, lí luận, lóe sáng, luyến láy, rèn luyện, lũy tre, liên lụy…(Các ngoại lệ thường là ở các từ có nguồn gốc Hán Việt như: NOÃN, NUY).
Về láy âm:
L thường láy âm với các âm đầu khác, N thì không. Vd: Lõm bõm, la cà, lúi húi, lao xao, lơ mơ, lon ton, lai rai, lởn vởn, loắt choắt, lam nham, lom khom, lơ ngơ, khóc lóc, bảng lảng, khéo léo...
N chỉ láy với GI và nguyên âm. Vd: giãy nảy, gian nan, áy náy, ảo não…
Từ đồng nghĩa:
Khi gặp từ đồng nghĩa với một tiếng khác là NH thì nhất định nó là L. Vd: Lài – nhài, lầm – nhầm, lời – nhời, loáng – nhoáng, lố lăng – nhố nhăng…
- Viết đúng R- D- GI
Về âm đệm:
D thường kết hợp với âm đệm, R và GI rất hiếm. Vd: Dung nạp, Dọa nạt, hậu duệ, dụng ý, duy nhất… (Ngoại lệ như cu – roa).
Về láy âm:
R láy âm với B và C (K), D không có. Vd: Bịn rịn, bối rối, co ro, cập rập…
- Viết đúng TR với CH
Về thanh điệu trong từ Hán – Việt:
+ Những từ Hán – Việt mang dấu nặng và dấu huyền đều chỉ đi với TR mà không đi với CH. Vd: Trịnh trọng, trụy lạc, vũ trụ, từ trường, trần thế, trù bị, trùng hợp, phong trào...
Về láy âm:
+ CH láy âm với các phụ âm khác ở vị trí đứng trước hoặc đứng sau; TR không láy âm đầu với các phụ âm khác, trừ bốn ngoại lệ đều là láy với L: Trọc lóc, trụi lủi, trót lọt, trẹt lét…
Về từ đồng nghĩa:
Khi gặp một tiếng đồng nghĩa với một từ viết với GI thì nhất định nó phải được viết với TR. Ví dụ: Tranh- giành, nhà tranh- nhà gianh, trầu- giầu, trai- giai, trăng- giăng, trời- giời, tro- gio, trả- giả…
Về từ vựng:
+ Những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình, và đồ dùng trong nhà thì viết với CH chứ không viết với TR: Cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt, cái chum, cái chai, chiếu chăn, cái chày, cái chổi... (Có một ngoại lệ: Cái tráp).
Về kết hợp âm đệm: TR không đi với các vần oa, oă, oe. Chỉ có CH đi với các vần này.
II. VỀ QUY TẮC VIẾT HOA; DANH TỪ RIÊNG- DANH TỪ CHUNG:
Cũng rất nhiều người chưa nắm vững quy tắc viết hoa trong tiếng Việt. Cũng như chưa nắm được đâu là danh từ riêng, danh từ chung.
Ở giai đoạn mới ra đời, chữ Quốc ngữ chưa quy định cách viết hoa. Ngay cả trong sách "Phép giảng tám ngày" của Alexandre de Rhoes năm 1651 cũng chỉ viết hoa sau đoạn xuống dòng, và được viết thụt vào đầu dòng.
Ngày nay, quy tắc viết hoa, danh từ chung- danh từ riêng đã được dùng thống nhất trong toàn quốc, cũng như cả ở Hải ngoại. Cho nên, ta viết văn, viết thơ, nhất định phải viết đúng quy tắc này.
1/ Về danh từ chung, danh từ riêng:
+ Danh từ riêng: Theo trang chuyên ngôn ngữ học: Danh từ riêng là danh từ chỉ tên người, tên địa lý, tên cơ quan tổ chức, phong trào, tôn giáo, tên các thời đại, tên các loại ấn phẩm, những ngày lễ tết trong năm.
+ Danh từ chung: Là các danh từ chỉ sự vật, chỉ vị trí, chỉ đơn vị, chỉ thể loại.
Trong cặp đối của thơ TNBC Đường luật, danh từ riêng và danh từ chung không được dùng để đối với nhau. Danh từ riêng chỉ đối được với danh từ riêng khác.
Vừa qua, TD thấy một số bạn có sự nhầm lẫn khi dùng trong phép đối. Chẳng hạn: Cây như ý kim cô bổng (gậy như ý) của Tôn Ngộ Không, hay cái vòng càn khôn của Na Tra thái tử... Tuy rằng nó là duy nhất trong vũ trụ, nhưng nó vẫn không phải danh từ riêng. Cũng như trong vũ trụ chỉ có 1 mặt trời, 1 trái đất, 1 mặt trăng, 1 sao mai...nhưng trong câu văn bình thường ta không thể viết hoa các từ này, vì nó vẫn là danh từ chung. Nên không thể dùng nó để đối với tên của 01 người cụ thể.
Nó chỉ là danh từ riêng, khi được dùng để đặt tên cho 01 người. Ví dụ: Võ Thị Như Ý, Trần Thị Sao Mai...
2/ Về quy tắc viết hoa:
- Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh. Sau dấu chấm câu (.); Sau dấu chấm hỏi (?); Sau dấu chấm than (!); Sau dấu chấm lửng (…); Sau dấu hai chấm ( : ); Sau dấu hai chấm trong ngoặc kép ( : “…”); Và khi xuống dòng.
- Viết hoa danh từ riêng: Tên người, Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Vd: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Lý Thái Tổ...
- Viết hoa tên địa lý: Vd: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Đắk Lắk …; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm...
- Tên cơ quan, tổ chức của: Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Vd: Hội Nông dân Việt Nam…
- Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ hạng. Vd: Nhà giáo Ưu tú;…
- Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể. Vd: Đại tướng Võ Nguyên Giáp….
- Danh từ chung đã riêng hóa: Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Vd: Bác, Người, Ngài (chỉ Trần Hưng Đạo)...
- Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm. Vd: ngày Quốc tế Lao động 1-5; ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10,…
- Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì phải ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó. VD: Phong trào Cần vương; Cách mạng tháng Tám; Triều Lý, Triều Trần,…
- Tên các loại văn bản: Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Vd: Bộ luật Dân sự;…
- Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm. Vd: Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Luật Giao dịch điện tử…
- Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Vd: Từ điển Bách khoa toàn thư; tạp chí Hoa sen;…
- Tên các năm âm lịch, ngày tiết, ngày tết, ngày và tháng trong năm:
+ Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Vd: Kỷ Tỵ, Tân Hợi…
+ Tên các ngày tiết và ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Vd: tiết Lập xuân; tiết Đại hàn; tết Nguyên đán;…
+ Viết hoa chữ Tết trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể (như Tết thay cho tết Nguyên đán).
- Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số. Vd: thứ Hai, tháng Tám,…
- Tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo:
+ Tên gọi các tôn giáo, giáo phái: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên gọi. Vd: đạo Cơ Đốc; đạo Thiên Chúa; đạo Phật; đạo Cao Đài…
+ Chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi như: Nho giáo; Thiên Chúa giáo; Hồi giáo…
+ Tên gọi ngày lễ tôn giáo: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Vd: lễ Phục sinh; lễ Phật đản;…
NÓI CHUNG: không khó để khắc phục các vấn đề trên. Chỉ cần mỗi người có trách nhiệm với chính mình, cố gắng để ý là ok thôi. Quê TD cũng là nơi chuyên phát âm sai R-D-GI, CH-TR, L-N. Nhớ hồi nhỏ, lắm khi bị bố mẹ hay thầy giáo vỡ lòng vả vêu cả mồm vì đọc sai, viết sai.
Thân mến!
Thiet Duong _03/6/2018