trần tế xương
Trần Tế Xương lúc nhỏ bố mẹ đạt tên là Trần Duy Uyên. Sinh ngày 10 - 8 năm Canh Ngọ (5 - 9 - 1870 Dương lịch) ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh ( nay thuộc phố hàng nâu Nam Ðịnh). Lớn lên tự là Mặc Trái, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Ông đậu Tú Tài năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời thường gọi ông là Tú Xương.
Tú Xương thuộc dòng dõi nho gia, tổ tiên có người lập công lớn đời nhà Trần nên được đổi họ vua (quốc tính). Năm mười sáu tuổi ông lấy vợ là bà Phạm thị Mẫn sinh được sáu trai và hai gái . Bà Tú là một phụ nữ Việt Nam điển hình, thương chồng con, tảo tần quán xuyến.
Dù thông minh xuất khẩu thành chương, nhưng khoa hoạn lận đận, ông thi tám lần mà chỉ đậu Tú Tài thiêm thủ (lấy thêm). Sống giữa thị thành, giáp mặt với xã hội thời Pháp thuộc nhiều đổi thay đến chóng mặt, nên thơ ông ghi lại nhiều bức tranh của thời cuộc, đầy dẫy tiếng cười cùng nước mắt.
Tú Xương mất năm 1907, ba mươi bảy năm cuộc đời ngắn ngủi của ông toàn nằm trong giai đoạn bi thương của đất nước, dùng ngòi bút dũng cảm và trào phúng giễu mình, tức là giễu đời, phanh phui mọi cái nhố nhăng, ông đã chửi là ra chửi, chửi đích danh không kiêng dè ai cả.
Tú Xương có một khả năng gây cười rất linh hoạt, ông nhìn góc cạnh nào cũng đáng cười. Thủ pháp của ông tinh diệu, biến hóa và sinh động. Ông tạo ra những tình huống ngược đời, hoặc cường điệu, phóng đại sự việc, lợi dụng sự đa nghaĩ dị âm dị nghĩa, nhờ ông mà tiếng Việt thêm phong phú .
Ðộc đáo hơn nữa là ông vờ vuốt ve địch thủ rồi bất ngờ đánh gục. Ngòi bút tả chân biếm họa của ông sàn sạt, lột ngay đặc điểm nhân vật. Ông còn “động vật hóa” những đối tượng chỉ trích đến buồn cười, muôn hình muôn vẻ, ngôn ngữ Tú Xương là ngôn ngữ cuộc sống, đầy ấp chất liệu, dùng toàn khẩu ngữ dân gian. Nghệ thuật giản dị đến mức tinh diệu, không màu mè điển cố, từ Hán, hay ước lệ theo lối cổ điển.
Tú Xương khôn lắm, ông tự cười mình trước, xong tha hồ cười thiên hạ, nên chẳng ai trách ông được . Ông bởn không sót một ai, từ dân đến quan, từ già đến trẻ, thậm chí nhà sư ông cũng không tha . Bọn lính Pháp, vợ chồng viên quan sứ, Tú Xương cũng chẳng từ .
Xuyên qua dòng thơ đặc sắc châm biến hiện thực, ta còn thấy ở Tú Xương một bút pháp trữ tình lãng mạn, ông vừa có tài vừa có tâm, cái chửi của ông luôn xây dựng, vạch rõ cho thiên hạ thấy mà tránh, kẻ bị lột mặt nạ xấu hổ phải chừa. Bất lực vì thời cuộc, vì bản thân, Tú Xương nhìn cuộc đời đôi khi cay cú, nhưng quí nhất là cái tâm ông lúc nào cũng vẫn sáng, ông cố giữ lòng thanh bạch để cảnh tỉnh mọi người .
Xuyên suốt qua tác phẩm của Tú Xương, cho dù ông có trào lộng chua cay đến bực nào ta vẫn cảm nhận được một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung.
Tài thơ của ông được xếp thứ năm sau ba thi hào dân tộc ( Nguyễn Trải, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Ðoàn Thị Ðiểm.
Và độc đáo hơn, Tú Xương còn là ông tổ của họ Tú, họ cười như Tú Mỡ, Tú Sụ, Tú Xuất, Cử Nạc, Ðồ Phồn, Tú Doanh, Tú Sót ….Các ông Tú, ông Cử ấy xếp chầu bên sư phụ Tú Xương, họp thành một hội chuyên châm chích thiên hạ .
Người dân Nam Ðinh tự hào: “Ðọc thơ Xương, ăn chuối Ngự”.
Tản Ðà còn sống cũng nói: “Trong các thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương”.
Trần Thanh Mai gọi Tú Xương là “Nhà thơ thiên tài”.
Nguyễn Công Hoan tôn Tú Xương là: “ Bậc thần thơ thánh chữ”.
Ðặng Thái Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”.
Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là “Nhà thơ có nhiều công đức trong công cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam”.
Xuân Diệu viết về Tú Xương:
“Ông Nghè ông Thám vô mây khói
Ðứng lại văn chương một Tú Tài”
Nhà thơ Nguyễn Khuyến khi đến viếng mộ Tú Xương cũng đã viết:
“ Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”
Nam Tuấn
1992
( Trích tập THƠ TÚ XƯƠNG . Vũ Hạnh Hiên tuyển chọn NXB Thanh Niên Hà Nội 1992)