bắc hành tạp lục bài 3
Ngộ gia đệ cựu ca cơ
Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
Huyền hạc qui lai kỷ cá tri
Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
Phúc bồn dĩ hỉ nan thu thủy
Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
Khả liên do trước khứ thời y
Nguyễn Du
Dịch Nghĩa
Sau buổi loạn lạc, nhân vật nơi chốn phồn hoa đã khác xưa.
Con chim hạc đen bay trở lại, nào mấy ai biết? (1)
Ta từng nghe giọng ca uyển chuyển của nàng lúc xưa mặc áo hồng. (2)
Nay đầu đã bạc, mới gặp lại nhau, nghe nàng than thở nỗi lưu ly.
Chậu nước đã đổ rồi, khó lòng vét lại. (3)
Thương cho ngó sen đã đứt mà tơ vẫn còn vương.
Nghe nói nàng đã có chồng và đã có ba con.
Ái ngại thay nàng vẫn phải mặc cái áo xưa (vẫn làm ca cơ).
------------------------------------------
Gia đệ : Em, có thể là em cùng mẹ, mà cũng có thể là em khác me. Ðây có thể chỉ người em cùng mẹ là Nguyễn Úc được tập ấm là Hoàng Tín đại phu Trung Thành Môn Vệ Úy. Năm Kỷ Dậu (1789) vua Chiêu Thống chạy sang Tàu, Nguyễn Úc chạy theo không kịp, về ngụ nơi quê vợ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Vị (1811), Gia Long nghe ông có tài khéo, xuống chiếu triệu vào kinh, bổ làm Thiêm Sự bộ Công, tước Hầu. Những miếu điện ở kinh thành đều do ông sáng chế kiểu thức.
(1) Chim hạc đen: Truyền rằng hạc vốn sắc trắng, tu nghìn năm thành sắc vàng, tu nghìn năm nữa ra sắc đen. Câu này ý nói, xa Thăng Long lâu này nay mới trở lại.
(2) Hồng tụ: Tay áo hồng, chỉ áo đào hát thường mặc.
(3) Phúc bồn : Chậu nước đổ. Tục có câu : "Phúc thủy nan thâu" nghĩa là nước đổ rồi khó hốt lên được. Ý nói là người ca cơ đã xa em mình rồi không sao tụ hợp đuợc nữa.
Dịch Thơ
Gặp lại người ca cơ cũ của em
Loạn rồi nhân vật đổi thay,
Phồn hoa chốn cũ ai hay hạc về.
Áo hường tưởng dạng cung Nghê,
Tiếng ca uyển chuyển từng nghe những ngày.
Tuổi già gặp lại nhau đây,
Bước đường lưu lạc lệ đầy thương đau.
Ðã đành nước đổ khôn thâu,
Than ôi ! Ngó đứt dễ dầu dứt tơ!
Có chồng đã mấy con thơ,
Áo hường ngày cũ bây giờ còn mang!
Bản dịch: Quách Tấn