Poem logo
Poem logo

phỏng vấn linh phương

Tác giả: Linh Phương
Nội dung cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo nầy đã được thực hiện qua email giữa Vũ Trà My và những tác giả được mời...

Vũ Trà My: Anh đến với thơ từ lúc nào? Đã có bài thơ nào của chính anh hoặc của một ai đã từng làm anh mê đắm, yêu thích đến tận lúc nầy?

Linh Phương : Tôi có thơ đăng trên các báo Sài Gòn khoảng năm 1964, vừa thơ thiếu nhi vừa thơ tình . Bài thơ tình đầu tiên tôi đăng trên tuần báo Đông Nam Á của Việt Nam Quốc Dân Đảng.Thời gian này bộc phát phong trào Thi văn đoàn, tôi làm trưởng nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương .Làm thơ thiếu nhi, tôi ( nhóm Hoa Đông Phương- Sài Gòn ) là một trong những tác giả nổi tiếng trên mục thơ “ Tuổi Xanh “chị Hà Vân phụ trách của nhật báo Tiền Tuyến , hay trang “ Họa Mi “ của nhật báo Dân Chủ như : Hoàng Oanh -Uyên Mai ( nhóm Áo Trắng trường nữ trung học Gia Long ), An Khanh –Uyên Ly ( nhóm Hoa Phượng trường nữ trung học Trưng Vương ), Hoàng Trần Đỗ Quyên ( trường nữ trung học Lê Văn Duyệt )…Tôi đến với thơ như một định mệnh, định mệnh đã cột chặt cuộc đời tôi vào thơ. Thơ cùng tôi đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, bom đạn và xương máu anh em đã cho tôi có bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi “ mà nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc với cái tên “ Kỷ Vật Cho Em “.

Vũ Trà My : Theo anh khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả. Anh có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốc hay chỉnh sữa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được và có thể chia sẻ cảm xúc nầy không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất thần đó (có khi câu chử đến bằng một cơn đồng thiếp mê man của cảm hứng) và đứa con tinh thần ra đời, để công bố rộng rãi.

Linh Phương: Khi có bất chợt cảm hứng tôi viết liền một mạch không ngơi nghỉ để hoàn thành tác phẩm của mình . Nhưng đôi lúc chỉ vài câu thì không viết được nữa, tôi để đó một thời gian sau có cảm hứng lại tiếp tục.Bài thơ làm xong, tôi đọc lại nhiều lần, chiêm nghiệm từ chữ , từ ý coi thực sự hoàn chỉnh chưa, hoặc cần thay một vài chữ cho hay hơn trước khi phổ biến ra công chúng.
Tôi nghĩ cách tôn trọng cảm xúc là làm sao cảm xúc đó thăng hoa , bay bổng trong câu chữ của mình, chứ không nhất thiết phải bê nguyên xi cảm xúc đến với người yêu thơ.

Vũ Trà My: Anh nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới. Anh sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sữa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn theo trào lưu bây giờ. Như thơ cách tân dùng chữ mới lạ, thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn, thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục... etc...

Linh Phương :Tôi quan niệm thơ là cảm xúc của mình chia sẻ cùng công chúng yêu thơ. Mà cảm xúc để được công chúng chia sẻ không phải thơ cũ hay mới, tân hình thức hay hậu hiện đại hoặc thơ trình diễn .Cũng không phải dùng ngôn từ mới lạ theo trào lưu bây giờ, thơ thành công là bài thơ ai đọc cũng hiểu, cũng cảm thụ được ,đi vào lòng công chúng, công chúng thuộc và nhớ câu thơ của mình.Chính vì thế tôi sẽ không bao giờ thay đổi những gì tôi đã có, thơ Linh Phương chính con người Linh Phương. Không học đua đòi, không chạy theo trào lưu, vì tôi rất sợ đứa con tinh thần sẽ trở thành dị dạng.


CÂU HỎI RIÊNG VỚI NHÀ THƠ LINH PHƯƠNG:



Tên thật Đoàn Văn Nhơn , sinh ngày 06/02/1949 tại Sài Gòn. Cha người Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Mẹ người Cần Thơ. Trưởng nhóm văn nghệ HOA ĐÔNG PHƯƠNG (Sài Gòn). Nguyên thư ký tòa soạn tuần báo Tinh Hoa Nữ Sinh phát hành tại Sài Gòn năm 1967.

• Tác phẩm in riêng:

- THƠ TÌNH LINH PHƯƠNG (Thơ- nxb. Ngựa Hồng- Sài Gòn- 1967)
- KỶ VẬT CHO EM (Thơ - nxb. Động Đất- Sài Gòn – 1971)
- LỜI TỰ TÌNH PHƯƠNG ĐÔNG (Thơ - nxb. Đồng Nai – 1995)
- LỜI RU CỦA GIÓ (Thơ - nxb. Thanh Niên – 2000)
- KỶ VẬT CHO EM (Thơ - Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ năm 2006)
- TUYỂN TẬP LINH PHƯƠNG ( Thơ –nxb. Phương Nam – 2006 )

• Tác phẩm in chung :

- THƠ LỤC BÁT (Thơ - nxb. Thanh Niên – 2000) 14 tác giả
- NGUYÊN ĐÁN TÌNH YÊU (Thơ - nxb. Đồng Nai- 2004) 13 tác giả
- THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN (Thơ - nxb. Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2006)
- MỘT THỜI LỤC BÁT VIỆT NAM (Thơ - Nxb. Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2008)) .
- 1000 NHÀ THƠ HUẾ ĐƯƠNG THỜI ( Tập 2-nxb.Thuận Hóa-2008)

Vũ Trà My: Ngoài bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở nên nổi tiếng Anh có thêm một bài thơ nào mà riêng anh thật tâm đắc cho thương hiệu thơ Linh Phương không ?

Linh Phương :Nếu nói về bài thơ tâm đắc của tôi sau bài thơ “Để trả lời một câu hỏi “ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở nên nổi tiếng với tên “ Kỷ Vật Cho Em “, thì có lẽ là bài thơ “ Giang Hồ “. Bài thơ này đã được nhiều báo ỏ Việt Nam đăng tải , phê bình cũng như các website hải ngoại.Còn thương hiệu thơ Linh Phương ư ? Thực ra Linh Phương làm gì có thương hiệu như những nhà thơ sau năm 1975. Nếu có chăng là trước năm 1975, còn bây giờ Linh Phương là người của muôn năm trước, đã đi vào quá khứ như cuộc chiến tranh Việt Nam ,dù những người yêu thơ, yêu nhạc trong và ngoài nước vẫn không quên Linh Phương.

Vũ Trà My: Yêu thích một bài thơ nào đó, thường người ta tìm thấy sự đồng cảm. Nhưng đọc thơ anh thấp thoáng thật nhiều bóng hồng được anh đề tặng . Anh có nghĩ viết đề tặng như vậy vô hình chung sẽ làm mất đi một số độc giả yêu thơ của anh không ? khi họ không tìm ra được sự đồng cảm , bởi biết rõ ràng những cảm xúc nầy rất riêng cho một hoàn cảnh khác

Linh Phương: Tôi không sợ mất đi một số độc giả yêu thơ tôi, vì tôi nghĩ đề tặng là sự khẳng định cái riêng của cảm xúc qua từng bóng hồng . Rất riêng nhưng không có nghĩa là không tìm được sự đồng cảm của bạn yêu thơ. Chẳng hạn như nhiều bài thơ của các thi , nhạc sĩ khác có những tình cảm rất riêng, nhưng bạn yêu thơ, yêu nhạc vẫn đồng cảm cái rất riêng của ho..Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ,ông cũng có nhiều bóng hồng trong nhạc của ông như : Diễm ( trong Diễm Xưa )- như Nguyệt ( trong Nguyệt Ca) hay Quỳnh hoặc Hương ( trong Quỳnh Hương ), nhưng không vì thế mất đi sự đồng cảm của người yêu nhạc ông . Đề tặng cho nhiều bóng hồng là biểu hiện cái riêng rất riêng không che giấu của mỗi cảm xúc cho một người .Chỉ khác với thi sĩ, nhạc sĩ khác là sự “ không thoát ra “ dù trong tác phẩm của họ vẫn thấp thoáng, vẫn khắc sâu một bóng hồng nào đó trong cuộc đời. Nên chuyện đề tặng hay không, chẳng còn là vấn đề quan trong nữa.


HÔM KIA

Hôm kia em đọc thư tình
Bướm len lén đậu vai nhìn bâng khuâng
Cỏ hoa núp dưới gót hồng
Thầm khen mười ngón chân trần trắng tươi
Gió đừng thổi nữa gió ơi !
Mây đang che nắng nương bờ ngực thơm
Nơi chỉ dành để anh hôn
Nơi chỉ dành để anh thương em hoài
Nơi chỉ dành để bàn tay
Của anh nằm ngủ mê say một đời
Hôm kia ngâu rớt giữa trời
Thấy em đọc lại những tờ thư xưa
Trúc Đào buồn hỏi giọt mưa
Cớ sao người cũ giờ chưa hết buồn ?


Linh Phương


NÓI VỚI EM MỘT GÓC SÀI GÒN NGÀY XƯA

Đặt khẽ lên môi anh nụ hôn
Em có nghe hơi thở Sài Gòn
Vương chút bụi khi ngồi Thanh Thế (*)
Và nắng Bến Thành thơm rất thơm
Nếu chán . Chúng ta vô rạp Rex
Chờ xem phim lãng mạn ái tình
Chiến tranh – súng đạn ! Thôi bỏ hết
Cơm – áo-gạo- tiền . Gác một bên
Hãy tạt qua ngang thương xá Tax
Loanh quanh đi cho trọn buổi chiều
Anh sẽ đưa em về Bà Chiểu
Ăn gỏi khô bò trước Lăng Ông
Đêm xuống. Ra công viên đứng ngắm
Phà Thủ Thiêm và Bến Bạch Đằng
Đợi khuya ghé phòng trà ca nhạc
Ngồi Queen-Bee hay Đêm Màu Hồng
Ta sẽ đi cùng khắp ngả đường
Vỉa hè - góc phố – của quê hương
Tìm trong ký ức thời thơ dại
Áo lụa em bay trắng giảng đường
Dẫu cách xa vời vợi muôn trùng
Bên trời Âu Mỹ– em buồn không ?
Sài Gòn vẫy gọi người xưa cũ
Sống nửa đời làm kiếp lưu vong
Anh ở Việt Nam ngày thương nhớ
Tóc bạc lâu rồi trong trại giam
Ngửa mặt khóc cười theo vận nước
Trời ơi ! Đã mấy chục năm ròng

-----------------------------------------------------------------
(*) Nhà hàng Thanh Thế đường Lê Lợi trước 1975.


GIANG HỒ

Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa

Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt- chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến sông

Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm

Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh- ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông


Linh Phương

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm