huyền trân công chúa vu qui....
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VU QUI....
Quê huơng nghìn dặm bước ra đi ,
Đâu thẹn hồng nhan kiếp nữ nhi…
Nước Việt ngàn trùng mây tím tthẳm ,
Non Chiêm muôn dặm nước xanh rì.
Hai châu Ô, Rí tên còn chép (1)
Một đấng Huyền Trân sử khắc ghi….[2]
Bên nước bên tình đều nghĩa trọng,
Lên thuyền công chúa bước vu quy…
Dương Lam [vophubong]
===========================
[1]
Năm 1306, thể theo lời ước gả Công Chúa Huyền Trân của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ( năm 1301 ) trong dịp viếng thăm thân hữu Việt Nam - Chiêm Thành, vua Chiêm Thành, Chế Mân dâng đất hai Châu Ô, Châu Rí làm sính lễ để xin cưới Công Chúa Huyền Trân.
Năm 1307, sau nghi lễ tiễn Công Chúa Huyền Trân về Chiêm quốc, vua Trần Anh Tông tiết thu 2 Châu Ô và Châu Rí, di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên là Thuận Châu (Bắc Hải Vân Quan) và Hóa Châu (Nam Hải Vân Quan). Dân Chiêm Thành bỏ đất lui về phía Nam.
[2]
Huyền Trân công chúa
Ngày xưa, vào đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên tu ở núi Yên Tử, mến cảnh núi sông thường hay đi du ngoạn các nơi, vào đến đất Chiêm. Trong khi ở Chiêm Thành, vua Chế Mân biết du khách khoác áo cà sa là Thượng Hoàng nước Việt, nên lấy tình bang giao mà tiếp đãi nồng hậu. Không rõ Thượng Hoàng vân du có ý định mở mang bờ cõi cho đất nước về phía nam không, hay vì cảm tình đối với ông vua trẻ tuổi Chiêm Thành mà hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân.
Vua Chiêm cử sứ giả Chế Bố Đài cùng đoàn tùy tùng hơn trăm người mang vàng bạc, châu báu, trầm hương, quý vậy sang Đại Việt dâng lễ cầu hôn. Triều thần nhà Trần không tán thành, chỉ có Văn Túc Đạo Tái chủ trương việc gả.
Vua Chế Mân tiến lễ luôn trong năm năm để xin làm rể nước Nam, rồi dân hai châu Ô, châu Ri (từ đèo Hải Vân Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân về nước.
Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm Thành được một năm thì vua Chế Mân mất. Thế tử Chiêm phái sứ giả sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo về việc tang. Theo tục lệ nước Chiêm, vua mất thì cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông hay tin vua Chiêm mất, sợ em gái là công chúa Huyền Trân bị hại, bèn sai võ tướng Trần Khắc Chung hướng dẫn phái đoàn sang Chiêm Thành nói thác là điếu tang, và dặn bày mưu kế để đưa công chúa về. Trần Khắc Chung trước kia đã có tình ý với Huyền Trân, song rồi vì việc lớn, cả hai cùng dẹp bỏ tình riêng, ngày nay lại được vua giao phó nhiệm vụ đi cứu công chúa.
Sang đến nơi, Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng: "Bản triều sở dĩ kết hiếu với Vương quốc vì vua trước là Hoàn Vương, người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, là đất Việt thường: hai bên cõi đất liền nhau thì nên yên phận, để cùng hưởng hạnh phúc thái bình cho nên gả công chúa cho Quốc vương. Gả như thế vì thương dân, chứ không phải mượn danh má phấn để giữ trường thành đâu! Nay hai nước đã kết hiếu thì nên tập lấy phong tục tốt. Quốc vương đây mất, nếu đem công chúa tuẫn táng thì việc tu trai không người chủ trương. Chi bằng theo lệ tục bản quốc, trước hãy ra bãi bể để chiêu hồn ở trên trời, đón linh hồn cùng về rồi mới hỏa đàn sau".
Lúc bấy giờ các cung nữ của Huyền Trân biết rằng công chúa sẽ bị hỏa táng, nhưng không biết làm thế nào, thấy sứ Trần Khắc Chung tới mới hát lên một câu ngụ ý cho sứ Nam biết mà lo liệu cứu công chúa khỏi bị lên thang hỏa đàn:
Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.
Người Chiêm Thành nghe theo lời giải bày của Trần Khắc Chung, để công chúa Huyền Trân xuống thuyền ra giữa bể làm lễ Chiêu Hồn cho Chế Mân. Trần Khắc Chung đã bố trí sẵn sàng, cỡi một chiếc thuyền nhẹ chực sẵn trên bể, đợi thuyền chở công chúa ra xa, lập tức xông tới cướp công chúa qua thuyền mình, dong buồm ra khơi nhắm thẳng về phương bắc. Huyền Trân công chúa gặp lại người tình cũ đến cứu mạng nhưng hơn một năm mới về đến kinh.
Về sau, các văn nhân thi sĩ cảm hứng về quãng đời lịch sử của công chúa Huyền Trân, đã mượn điệu hát, lời thơ mà làm nên nhiều bài còn truyền tụng đến ngày nay.
Bài này đã được xem 4880 lần
|
Người đăng:
|
vophubong
|
|
|