khúc quanh cuộc đời - lời bình
Khuấy nỗi lòng nghe vị đắng trào dâng
Ngâm nhi ngụm xót tràn tâm can dạ
Ta lặn lội giữa nhân gian nghiệt ngã
Để thấy đời tàn phá một miền yêu
Khuấy một vòng nghe thấy biết bao điều
KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI
Miền dĩ vãng đạp tiêu tan sợi nhớ
Dư âm gọt lên hồn thơ vụn vỡ
Vết thương sầu loang lở giấc tinh khôi
Bóng hoàng hôn xô đẩy chổ ta ngồi
Cà phê đắng gõ môi mòn chảy máu
Đưa tay khuấy muổng đời ta hiểu thấu
Vị ngọt đường không đẫm để tình say
Khuấy nhẹ tay ly đặc sánh đen đầy
Mùi hương toả ngất ngây cà phê đắng
Nhấp một ngụm não nề lòng sao nặng
Vị đau buồn chan trắng bạc bờ thương
Khuấy hòa tan lời nói đẫm nước hương
Chợt vỡ hết vị đường trăm năm mộng
Đêm rủ xuống và đời nghiêng ngã sóng
Để ngấm lòng vị đắng cả đời ta....
LỜI BÌNH
Em thức dậy giữa đêm bắt gặp “KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI”, tưởng rằng mình nghe ai đó khóc, tưởng rằng chính mình đã khóc và chạm lên mặt thấy khô ráo. Ôi chao, chỉ là mưa thôi và sờ soạng tìm giấc ngủ ướt sũng của mình, cố khoác lại nó vào...
Hình như xã hội phát triển, con người ngày càng bị cuốn theo dòng xoáy. Chúng ta nhìn thì tưởng như nhận được rất nhiều nhưng lại thường hoảng sợ bất an, lòng luôn nghe “vị đắng trào dâng”, “tràn tâm can dạ”. Chúng ta mải miết “giữa nhân gian nghiệt ngã’ nhưng lại là một bên truy tìm, một bên vứt bỏ… Vậy thì rốt cuộc nhận được gì và đánh mất những gì?
Mưa vẫn rơi... 60 năm cuộc đời, “nửa chặng đường” là dài khi người ta đem nó để đo giá trị bền vững hay sâu sắc của một cuộc tình, nhưng sẽ thật ngắn khi đo niềm vui của mỗi ngày và bình yên của hôm nay ta đang có “để thấy đời tàn phá một miền yêu”.
“Khi gặp bi kịch thật sự trong cuộc sống, chúng ta có thể phản ứng theo hai cách: Hoặc bằng cách mất niềm tin và tự huỷ hoại bản thân, hoặc sử dụng thử thách để tìm ra sức mạnh bên trong của chính mình” (Đức Phật Thích Ca).
Một vài lần trong đời, chúng ta thường tự vấn lòng mình câu hỏi muôn thuở rằng ta vẫn đang thực sự sống hay chỉ là đơn thuần đang tồn tại? Mục đích cho cuộc sống này là gì? Vậy mà:
“Khuấy một vòng nghe thấy biết bao điều
Miền dĩ vãng đạp tiêu tan sợi nhớ
Dư âm gọt lên hồn thơ vụn vỡ
Vết thương sầu loang lở giấc tinh khôi”
Em từng cho rằng lúc buồn thì sẽ khóc rất nhiều, nhưng khi thực sự bị thương tâm thì lại chẳng rơi nổi một giọt nước mắt. Mưa tạnh rồi, người ta đón nắng bằng một trái tim ướt sũng. Vì thế, những cơn mưa cứ ở lại mãi trong lòng. Bất kể nên hay không nên. Bất kể ngày nắng chói chang hay đêm giông tố vần vũ. Bất kể tháng ngày phai nhạt, những cơn mưa cứ ở lại, lênh láng “vết thương sầu loang lở giấc tinh khôi”, làm “tiêu tan sợi nhớ”.
Thật lạ lùng cách mà tiếng cười giống như khóc than trong câm lặng và cách mà những giọt mưa trông giống như nước mắt mà không có nỗi đau, “hồn thơ vụn vỡ”... “Tôi muốn khóc nhưng nỗi buồn thật ngu xuẩn. Tôi muốn tin nhưng niềm tin là nghĩa địa” (Charles Bukowski). Và ở chỗ này, không biết là chỗ nào:
“Bóng hoàng hôn xô đẩy chỗ ta ngồi
Cà phê đắng gõ môi mòn chảy máu”
Hoa cỏ tới trăng gió đều im lặng trầm ngâm… Thân thể chàng rã rời... Có cái gì phá đám, cắt đứt mạch máu, cắt đứt đường gân đôi môi “mòn chảy máu” giữa thực và mộng. Tác giả như vừa thoát ly khỏi cực lạc giới, toàn thân rung động như một sơi đường tơ. “Tôi đã sống mãnh liệt bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” (Xuân Diệu):
“Đưa tay khuấy muỗng đời ta hiểu thấu
Vị ngọt đường không đẫm để tình say”
Giọng nói, nhịp đập con tim của thi nhân tạo thành đợt sóng vỗ mạnh tâm hồn người đọc. Sống là hạnh phúc, thi nhân đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Tình yêu như nguồn nước mà mình như kẻ qua sa mạc, bị cơn khát siêu hình dày vò. Làm thế nào “đôi ta” là một, đây là đòi hỏi của tình cảm, của tinh thần cao độ nhất trong yêu đương, cũng là đòi hỏi cái vô tận, cái vĩnh cửu. Vừa có cái nồng nàn của thể xác, vừa có cái khao khát đến vô biên thế giới tinh thần, vừa là thước đo của tính nhân đạo.
“Đọc thơ anh, tôi thấy nỗi đau khổ cùa tôi được xoa dịu nhiều lắm” (Hàn Mặc Tử). Mê hoặc người đọc bằng cử chỉ thi sĩ với chính nội lực mạnh mẽ. Những hình ảnh, thanh âm của đời sống tràn vào thơ tự nhiên, dòng tâm tư tuôn chảy dào dạt. Đau dớn quá! Cay đắng quá! Nghiệt ngã quá!…
Từng lời, từng chữ, từng nhịp thơ là sự chuyển vần của vũ trụ, của tuần hoàn máu, của thời gian không đứng đợi. Đam mê với sự sống, những giọt thơ này hơi đắng nhưng nếm thử biết đâu khoái lạc. Khát vọng được sống ở đây vừa có cái khát khao tâm hồn, vừa có cường tráng lành mạnh của nhục thể nhưng cũng đầy chua chát, đắng cay:
“Nhấp một ngụm não nề lòng sao nặng
Vị đau buồn chan trắng bạc bờ thương”
Thác loạn cuồng si, cái tình là ở chỗ đó! Sau một giấc ngủ vùi trong bóng đêm ảo mộng, bừng con mắt dậy thực tại quá ngỡ ngàng. Thế giới tâm thức biến động, thoắt ẩn thoắt hiện, vừa mộng vừa thực, chừng như không hiện thực mà hiện thực diệu kì. Vẫn vẹn nguyên chất lửa, sự dồn nén về sức sống mãnh liệt chếnh choáng đến đắm say:
“Đêm rũ xuống và đời nghiêng ngã sóng
Để ngấm lòng vị đắng cả đời ta…”
Bóng đêm – bóng tối vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Niềm khát khao giao cảm với đời, khát vọng sống mang đến chất trữ tình quyến rũ lạ lùng! “Thơ là tiếng hát tâm hồn. Thơ là sự chân thực trần trụi của tâm hồn”. Giữa tình yêu sâu sắc cuộc đời và bóng tối trong trái tim là nỗi u uẩn trong suốt nhưng cũng lạnh buốt như sương đêm. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, thản nhiên như thế, vô tình như thế...
Nguồn gốc của nỗi buồn còn gì hơn là sự yếu đuối của tâm hồn? Cái gì cho nỗi buồn sức mạnh nếu không phải là mong muốn tìm lời giải thích? Hãy tranh đấu đi, và nỗi buồn biến mất khi ngươi tấn công. Những ngôi sao chỉ ở đó và lấp lánh như thể chúng không biết chúng ta đang chết dần bên trong, và mưa vẫn rơi nhạo báng cái chết của chúng ta, thế giới cứ tiếp tục “khuấy tan hòa lời nói đẫm nước hương” cho “vỡ hết vị đường trăm năm mộng”.
Anh Hồng Dương à, có những ngày đến nỗi buồn cũng bỏ con người ta mà đi. Đến lúc ấy, mới hiểu trọn vẹn thế nào là cô độc. Thật lạ lùng cách mà tiếng cười trông giống như khóc than trong câm lặng và cách mà những giọt mưa trông giống như nước mắt mà không có nỗi đau.
Hỏi một người: “Làm sao để khóc” khi nỗi buồn oằn vai mà khoé mắt vẫn còn ráo hoảnh. Người ta trả lời: “Vì nỗi buồn chưa đủ để bật thành tiếng khóc, vì mình từng trải qua những nỗi buồn còn tồi tệ hơn thế nên tuyến lệ đã chai lì đó thôi”.
Cố lên, anh nhé!
Bài này đã được xem 911 lần
|
Người đăng:
|
Hồng Dương
|
|
|