nghĩ về thầy cô giáo trong tháng 11
NGHĨ VỀ THẦY CÔ GIÁO TRONG THÁNG 11
Một năm giáo dục bị không ít lời trách móc, đay nghiến, nhưng dù sao cũng phải trừ ra một tháng, ít nhất là một ngày để các thầy cô giáo trút nỗi lòng của mình trong dịp lễ ngành của nhà giáo.
Xã hội trách giáo dục dạy thêm, coi đó là xấu xa, tệ nạn, nhưng nếu không có dạy thêm thì sẽ có thêm bao nhiêu học sinh nữa sẽ bị nghiện games, hút chích, cờ đề, thậm chí đến mức lôi cả nhà vào vòng lao lý? Cho dù lớp học thêm có nhồi nhét kiến thức, thì chí ít không bổ bề ngang cũng sẽ bổ bề dọc cho não về sau. Cho dù lớp học thêm không dạy được gì nhiều, thì chí ít cũng lôi các em về một chỗ tập trung và ngồi yên đó cho cha mẹ đi làm việc, để ngăn chặn các cám dỗ ngoài xã hội như games, nghiện, cờ đề, … Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xã hội trách giáo dục gây áp lực cho học sinh tự kỷ dẫn đến trầm cảm, tự tử! Hãy ngẫm lại xem hàng nghìn học sinh cùng học một chương trình tại sao không tự kỷ mà con mình lại tự kỷ? Phụ huynh có sĩ diện quá để cố chạy cho con mình vào một trường học cao quá với năng lực của học sinh không? Phụ huynh có thực sự quan tâm đến con mình phía sau giờ học hay không? Học sinh tự kỷ là do nhà trường hay do gia đình? Nếu do nhà trường thì chí ít phải trên 50% số trẻ tự kỷ vì cùng học chung chương trình, cớ sao chỉ là một phần nhỏ của con em mình? Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xã hội trách nội dung giáo dục không thực tế, hình thức, chạy đua thành tích! Vậy hỏi xem giáo dục hiện nay có phân hóa được đúng năng lực lao động hay không? Đa số em học giỏi có phải đang cù ba cù bất đi xin việc khắp chốn, còn đứa học dốt đa số chểnh chệ làm to và giàu có hay không? Phần đông em giỏi vẫn đang là lực lượng lao động ưu tú nhất. Nội dung dẫu có chưa thực tế, phương pháp dẫu có chưa phù hợp, nhưng kết quả thì vẫn đang phản ánh đúng thực tế, phân hóa lao động chưa có gì là bất hợp lý trong giáo dục. Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xã hội trách đạo đức học đường xuống cấp, bạo lực học đường gia tăng! Vậy thử hỏi, đạo đức công vụ, đạo đức kinh doanh, đạo đức gia đình, … mọi thứ đạo đức trong xã hội hiện nay có đang xuống cấp không? Bạo lực học đường gia tăng thì bạo lực gia đình có gia tăng không? Bạo lực ngoài xã hội có gia tăng không? … Hay xa hơn là bạo lực trên thế giới có gia tăng không? Những người làm giáo dục không từ chối trách nhiệm, thậm chí là đang dốc sức để ngăn chặn, đẩy lùi nó bằng tất cả cái tâm của nghề giáo. Tuy nhiên, đạo đức xuống cấp, bạo lực gia tăng là do đặc điểm của thời đại, đặc điểm của kinh tế tác động, hay tất cả đều là do giáo dục? Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xã hội trách giáo dục lạm thu bằng nhiều khoản khác nhau! Vậy thử hỏi, các quyết định lạm thu đó là chủ trương từ ai đưa ra? Hiệu trưởng ư? Giáo viên chủ nhiệm ư? Hội phụ huynh ư? Bọn họ chiếm số lượng bao nhiêu phần trăm trong đội ngũ hàng triệu giáo viên? Vài chục, thậm chí vài trăm giáo viên thì mới nhặt được một hiệu trưởng, đừng vì quyết định của hiệu trưởng mà đánh giá tất cả đạo đức của đội ngũ thầy cô giáo. Người khác lạm thu nhưng thầy cô giáo bị xã hội dày vò danh dự, phần đông họ cũng khổ tâm lắm, nhưng họ không có quyền bầu hiệu trưởng. Hãy phân biệt dùm hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm là một chức danh hành chính, đội ngũ thầy cô giáo chỉ là một chức danh nghề nghiệp, thầy cô giáo vô can trong lạm thu. Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xã hội hiện nay như một cơ thể đang lớn dần, mà lớn thì phải lớn đều nếu lớn không đều thì đó là tàn tật, bại liệt. Trong cái lớn đó, thì tốt cũng lớn đều mà xấu thì cũng đang lớn đều lên, y tế thì thuốc giả, ung thư tăng, an toàn thực phẩm kém; kinh tế manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; công vụ thì chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí; gia đình thì thiếu gắn kết, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, con cái bỏ bê; âm nhạc - nghệ thuật thì hài nhảm, loạn game show; Lao động thì thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề; giao thông thì tai nạn, đường xá xuống cấp, ngập nước, …. Xã hội sao không dám đối diện để nhìn mọi thứ đều đang đảo lộn dần, mà chỉ nhìn có mỗi giáo dục rồi trách móc. Xã hội trách một phần thì dành chín phần để ngẫm lại!
Xin nhắc lại, xã hội hiện nay như một cơ thể đang lớn dần, mà lớn thì phải lớn đều, trong đó có lớn đều cả những mặt trái. Giáo dục đang bị lỗi, nhưng giáo dục không có tội, nó là một mắc xích của sự phát triển chung trong toàn xã hội. Chỉ trích giáo dục là vô nghĩa, chỉ giải quyết được cơn giận chứ không thay đổi được kết quả. Muốn giáo dục thay đổi thì hãy cùng nhau thay đổi tất cả, trong đó chính trị đóng vai trò là bộ não của xã hội phải làm gương trước. Thượng bất chính thì hạ tất loạn, nghiêm minh pháp luật, diệt trừ tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, … thì tự khắc cả xã hội sẽ tốt đẹp lên, mà tốt thì tốt đều, giáo dục cũng theo đó là tự nó sẽ lớn lên theo chiều lớn chung của xã hội.
Tháng 11, tháng của những thầy cô giáo, xin hãy để cho họ được nói những lời công bằng! Thầy cô giáo buồn vì lương thấp, để xã hội hiểu nỗi vất vả mà san sẻ bớt trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ từ phía gia đình, từ phía xã hội, chứ không phải để van xin lòng thương của xã hội. Nghề giáo có lòng tự trọng rất cao, mỗi khi lương tâm bị dày vò là hiếm có người nào đứng vững trước bụt giảng, chỉ tại xã hội nhìn vào thiểu số mà nghi ngờ, mà thiểu số, dị biệt, biến chất thì ngành nghề nào, nơi nào, thời nào cũng có, không thể dùng thiểu số để phủ bỏ thành quả của số đông.
Xét trên bình diện tổng thể thì phần đông thầy cô giáo hiện nay là những người có tâm không thua gì các thế hệ nhà giáo tiền bối. Thời đại nào – Con người đó! Thời đại này quay cuồng với kinh tế nhưng họ vẫn bám trụ với nghề bằng đồng lương ít ỏi, ít có người bỏ nghề giáo để ra lề đường mở một xe hàng rong bán bánh mì, với mức lương cao hơn chí ít là gấp đôi lương nghề giáo. Đó là điều mà xã hội cần thẳng thắng nhìn nhận thực tế để ghi nhận họ.
Giáo dục vẫn đang cần nhiều thay đổi lớn và nhanh để phục vụ nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, tương lai của thế hệ trẻ vẫn đang chờ những nỗ lực, quyết tâm của giáo dục. Thầy cô giáo, phần đông không ai chối bỏ trách nhiệm, nhưng họ cần sự động viên và chung tay chứ không chỉ là những lời đay nghiến, trách móc.
Tháng 11, tháng của giáo dục! 11 tháng chưởi và trách đủ rồi, hãy thử dành một tháng, chí ít là một ngày để ngẫm về giáo dục, để còn thấy rằng chúng ta ai cũng phải nhận lấy một phần trách nhiệm và trân quý hơn đối với các thầy cô giáo trong bối cảnh khốc liệt hiện nay.
Đặng Hoàng Vũ (14/11/2018)
Bài này đã được xem 1817 lần
|
Người đăng:
|
Bay Vu
|
|
|