Poem logo
Poem logo

kể chuyện đêm rằm

Tác giả: Đinh Kim Chung
Thơ vui: Tết Trung thu
(Dựa theo một trong 4 truyền thuyết về Tết trung thu)

Nhân khi đến Tết trung thu
Cuội ta nằm bẹt thu lu góc nhà
(Thực ra Cuội ngủ gốc đa)
Thế là tranh thủ Hằng Nga giáng trần

Hằng Nga bèn táp xuống sân
Đúng nơi bọn trẻ chơi gần đống rơm
Lúc này mười tám giờ hơn
Các em còn mải ăn cơm trong nhà

Sân đình chẳng một bóng ma
Mỗi ông bảo vệ đi ra chặn đầu
"Cô kia chập tối đi đâu?
Trung thu lễ hội còn lâu tới giờ"

"Dạ thưa! Xin bác hiểu cho..."
"Hiểu gì? Không thể bày trò được đâu
Tôi già rụng tóc, bạc râu
Làm gì được nữa mà câu với cò..."

"Dạ thưa! Xin bác hiểu cho..."
"Đã bảo không hiểu! Hay cô điếc rồi?
Đây là sân của làng tôi
Hôm nay tổ chức vui chơi đêm rằm

Làng tôi tổ chức hàng năm
Cứ tháng Tám, ngày mười lăm như này"
Chị Hằng bèn chắp hai tay
"Cháu trên Thượng giới xuống đây bác à"

"Thì ra là chị Hằng Nga
Tôi già nên chẳng nhận ra chị rồi!
Ghế đây! Mời chị cứ ngồi
Nhưng này, sao chị đi chơi một mình?"

"Dạ thưa! Theo lệnh Thiên đình
Ngọc Hoàng cắt cử một mình cháu thôi"
Hằng Nga tay chỉ lên giời😂
Cuội đang ngủ gật vẫn ngồi gốc đa

"Hôm nay cháu kể chuyện nhà
Dưới trần các bác gọi là Trung thu"
Lúc này gió thổi vi vu
Trời quang chẳng có mây mù bay qua

Cơm xong các cháu tuôn ra
Dắt tay là bố, mẹ, bà hoặc ông...
Đèn ông sao với đèn lồng...
Đội lân, sử tử, múa rồng đi theo

Chị Hằng đôi mắt trong veo
Trái tim hồi hộp nhìn theo ánh đèn
Chắc là kể chuyện chưa quen
Trong khi trai tráng cứ chen vào nhìn

Tỉ năm mà vẫn Xì tin
Lung linh như chiếc đèn pin sạc đầy
Trung thu đã đến rồi đây
Hằng Nga xin kể chuyện này... cung trăng .
(Tiếp)
...Chị Hằng tiếp tục kể rằng
Ngày xưa Cuội vốn là thằng Tiều phu

Một hôm vào giữa mùa Thu
Cuội ta vác búa vào khu rừng già
Bốn con hổ nhỏ phi ra
Cuội lia đại búa chết ba con liền

Con còn lại cũng quy tiên
Bỗng đâu hổ mẹ rất hiền hiện ra
Nó gầm to bố tổ cha
Cuội trèo tót tận ngọn đa tránh đòn

Chắc là hổ mẹ thương con
Nó đi hái lá vo tròn mớm cho
Bốn con hổ nhỏ chết co
Tự dưng sống lại như cho phép thần...

Hổ đi Cuội tụt xuống dần
Lấy rìu đánh gốc rồi khuân về nhà
Giữa đường gặp một ông già
Ăn mày chết đói thành ma bên đường

Cuội ta liền nổi lòng thương
Lấy ngay chút lá rồi nhường cho ông
Sau khi Cuội mớm lá xong
Ông già tỉnh dậy rồi ông giật mình:

"Cây này cải tử hoàn sinh
Con về chăm sóc nhiệt tình nghe không?
Con trồng nó ở phía Đông
Hàng ngày phải tưới nước trong vài lần"

Cuội ta sung sướng muôn phần
Tiếng lành đồn đại từ gần đến xa
Con chó nuôi giữ trong nhà
Là con chó chết Cuội ta cứu về

Cuội còn nổi tiếng khắp quê
Vật, người bị chết Cuội về chữa ngay
Thuốc tiên cải tử lạ thay
Hồi sinh từ lá của cây bên nhà

Một hôm có một ông già
Nhà giàu, cha của Hằng Nga bấy giờ
Ông già gặp Cuội và nhờ
Cứu cho con gái bất ngờ chết trôi

Sau khi Cuội cứu được rồi
Cô bèn cảm tạ ngỏ lời cầu hôn
Cuội ta thấy thế mừng rơn
Còn gì sung sướng được hơn vợ chồng...

Nhưng rồi đời cứ long đong
Giữ chi báu vật ở trong nhà mình
Thuốc là cải tử hoàn sinh
Giặc kia cũng rất vô tình đi qua

Biết Cuội cất thuốc trong nhà
Lập mưu chúng giết Hằng Nga thế rồi
Ruột moi chúng thả sông trôi
Cuội không cứu nổi đành ngồi bó tay

Con chó Cuội cứu trước đây
Trả ơn xin tự phanh thây của mình
Dạ người lòng chó phân minh
Chị Hằng được cứu lại xinh như thường

Cuội ôm con vật đáng thương
Nặn lòng bằng đất Cuội tương đại vào
Chó ta lại thở phều phào
Cả người và vật vui sao xum vầy...

Nhưng từ cái sự việc này
Chị Hằng đổi tính, suốt ngày hay quên
Cái cây thuốc nói ở trên
Hằng Nga chả nhớ vì quên lời chồng

"Đái bên Tây, cấm bên Đông"
Hằng Nga nhầm tí, cây dông lên trời
Níu cây bằng được mới thôi
Cuội cầm chiếc búa rồi chơi một rìu

Thế là buồn thỉu buồn thiu
Cả cây lẫn Cuội cùng rìu bay lên
Mặt trăng vốn dĩ ở trên
Cuội ta táp xuống rồi quên về nhà

Cuội giờ vẫn ngủ gốc đa
Các em ra ngắm Thiên hà mà coi"
Chị Hằng kể chuyện đứt hơi
Đến khuya bọn trẻ vẫn chơi sân đình

Càng khuya chị ấy cành xinh
Kể xong nhằm hướng Thiên đình chị bay
Cuội ta sắp dậy đi cày
Hay còn ngủ gật tối ngày gốc đa?

Bái bai chị nhé Hằng Nga
Sang năm chị xuống chắc là xinh hơn!

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm