nỗi đời, nỗi người trong thơ lê hai
Lê Hai dịp này có quà mới cho bạn bè. Thật ấn tượng đó là tập thơ “Tiếng vọng của dòng sông”, chọn lọc từ những sáng tác gần đây của anh. Là người luôn biết làm mới cho mình, tập thơ này của Lê Hai thấm đẫm trong đa nghĩa tình yêu và nỗi đời, nỗi người. Tập thở mở ra bằng một câu chuyện kể, một câu chuyện kể khó cưỡng của hiện thực:
Có một ngày đá nôn nao
Cỏ tơ non, lá cỏ nào cũng xanh
Em ùa cơn khát vào anh
Như hương thơm quả chín cành đung đưa
(Có một ngày)
Lê Hai vẫn thế, cả đời chỉ có duy nhất một khát vọng được yêu, được sống thật là chính mình. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ nói lên bản lĩnh dám sống, dám dấn thân của anh. Anh đã gặt hái được nhiều trong sự dấn thân can đảm của mình, bất chấp ngay cả khi rơi vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, dễ buông xuôi nhất của số phận. Người ta dễ nhận ra từ những câu thơ giằng xé thân phận và đau đớn của anh:
Quá khứ mình anh cố quên
Bấy lâu nay đã ngủ yên dưới mồ
…
Lối mòn vết cũ ngày qua
Gian truân lẫn với câu thơ đượm buồn
…
Bốn mươi tuổi đi tìm sự nghiệp
Chưa yên chỗ làm chưa trọn chốn nương thân
(Nói với em)
Cảm giác chông chênh, vừa thực vừa mơ. Có một cái gì đó không ổn của phận người, của sự tồn tại bản thể. Mong manh và dễ làm cho người khác phải động lòng có nguyên do từ những câu thơ ứ nghẹn nỗi đau đời ấy. Sự sống sót của nhà thơ ở đời sống này có tỉ lệ cực thấp, bởi họng súng và thòng lọng luôn giăng ra rình rập. Chao ôi! Nhà thơ và tên lái súng, nhà thơ và kẻ lợi quyền…sẽ là sân giác đấu quyết liệt cuối cùng, để tìm ra đâu là lòng tốt, đâu là nhân cách của chính nhân.
Thơ tình của Lê Hai là thứ thơ viết ra từ gan ruột. Anh tự sự với nó bằng chính những gì mà đời sống tình cảm của anh nếm trải: “Bàn tay em nắm tay tôi/ Sát bên nhau vẫn thấy vời vợi xa/ (Có một ngày). Đó là bởi yêu người mà tự vấn ra như vậy. Cũng có thể đó là cái nghiệt ngã, thử thách của cuộc yêu, hay nói rộng ra là khát vọng đời thường mấy ai vươn tới được.
Người đi tìm tình yêu nhiều khi phải biết vượt qua được cái tầm thường của cuộc đời gió bụi. Đó là lúc tình yêu được nâng lên ở một tầm cao mới khi mà nhận thức của người trong cuộc đã hòa nhập vào cái thiên chức tự nhiên, hào phóng, vĩ đại của trời đất, của tấm lòng con người. Đó là sự khác biệt giữa trống rỗng và đủ đầy, giữa dũng cảm và hèn nhát. Nói một cách khái quát hơn đó là thứ tình yêu đích thực của tính người, của mơ ước và hiện thực bay bổng trong một đời sống có ý nghĩa khiến bao kẻ tục phải thèm muốn:
Ngoài kia là nắng và gió
Là sự tầm thường vây bủa
Sự tầm thường luôn ngửa bàn tay
Ta vô tư thả hồn ta vào đó thật đủ đầy
Trong khoảnh khắc bàn tay kia nắm lại
Lúc ấy chẳng còn khuôn mặt và ánh mắt nào vây bủa quanh ta
Rồi ta quên như một trò đùa
Bởi đã có em nên mọi chuyện kia chỉ là vặt vãnh
Sự giàu có của ta, niềm tin của ta ẩn giấu vô hình
nơi thẳm sâu hồn hai đứa
(Không đề)
Hay, ấn tượng và khúc chiết. Lê Hai viết như thế thì tình yêu đã vượt ra ngoài cái khung tranh thân xác, trở thành đức tin để cứu rỗi những suy nghĩ ung nhọt, cặn bã, gột đi máu mủ của lối nhìn ích kỷ, tăm tối để mong được làm nô lệ của thần ái tình bao dung và cao cả.
Ở một trang khác Lê Hai tự thú:
Xin chắp tay trước bão đời đang giật
Bởi trên cành vừa nhú những chồi non
(Nói với em)
Sự thức tỉnh có ý thức. Hay đó là tiếng đập của một trái tim biết nâng niu và gìn giữ cái đẹp. Một mỹ học thơ. Một nhân cách sống. Đó là điều ta rất dễ nhận ra ở Lê Hai gần như trong toàn bộ các tác phẩm thi ca đã xuất bản của anh.
Vào lúc tỉnh táo và ngộ ra cái lẽ đời, cái dâu bể thấp thoáng ánh chớp phù vân, luân vũ, thơ Lê Hai thao thiết và bao dung đến lạ lùng:
May may qúa may mà còn điều đó
May mà còn một chút ngây ngô
Không thì hết, không thì tan vỡ cả
Ơi! Vầng trăng tỏa sáng sương mờ
(Trăng mười sáu)
Buồn thì đã rõ. Nhưng ham sống và dâng hiến. Cực đoan không có lối thoát ở trạng huống này. Mà nghĩ cho cùng cái chết vốn là điều cũ rích. Một sự chạy trốn hoàn hảo theo thuyết tương đối của Albert Einstein, nhưng không có tự do vĩnh cửu theo Định luật Bảo tồn và Biến hóa năng lượng của Lomonoxop. Chỉ có nhà thơ mới cần “một chút ngây ngô”, bởi thơ hoàn toàn không phải là phép tính cộng trừ nhân chia để cân đo, ngả giá cảm xúc và tâm hồn con người. Thế giới của thơ là thế giới mở của cảm xúc và liên tưởng không biên giới. Tự thân thơ đã là những bài hát vỗ về, ru ngủ, làm lành mọi vết thương, kết nối con người lại với nhau. Lê Hai có nhiều chương khúc, nhiều câu, nhiều bài lay thức người đọc bởi anh đã vươn tới được cái tầm ấy.
Lê Hai là người đa cảm. Đa cảm mặc nhiên là phải đa đoan. Đa đoan mấy ai tránh được đèo bòng. Cái thực đơn khó nuốt của các vị Khổng Tử, Trang Tử, Khổng Minh… bên tảu bên tàu thời cổ đại đã gõ lên bao đầu trẻ đâu có sai ở thời bão giông, gió giật này. Lạ gì kẻ tài hoa “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” (Nguyễn Du), nên cái chuyện Lê Hai nợ thơ, nợ tình, nợ đời…khó mà tránh được. Lê Hai nhiều khi hờn giận, buồn tan nát, cực đoan thân phận, ghét thói đời ăn ở bạc, ghét cay ghét đắng thói đạo đức giả, phẩm hạnh phấn son…thôi thì một mớ rác rưởi nơi cõi trần đen trắng. Đó là lúc thơ anh như con ngựa bất kham tung vó vượt lên bể chữ để làm nên thiên chức thi ca. Đó là lúc thơ anh có nhiều câu đáng đọc, tuôn chảy trong ngữ nghĩa đa cấp và thuần khiết sự hồn nhiên.
Lê Hai là người thơ rất gần với sự khẳng khái, cương trực. Theo phép so sánh kẻ chợ thì anh là người trong đời gặp nhiều thất bại. Long đong chân trời góc bể, một ngày nào đó anh nhận ra mình là người “miền trên”, nơi đó có nhà sàn, có con phố nhỏ bên rừng bên suối…và một nửa ga cuối của tình anh. Một cái kết có hậu chăng? Có thể lắm chứ! Chỉ biết đó là câu chuyện tình rất ổn, nơi anh luôn tìm thấy bình yên ngay cả lúc anh buồn:
Khi anh buồn
Em đặt tay lên ngực anh
Và ngước mắt nhìn lặng lẽ
Ánh mắt em như ngàn câu hỏi
Thầm thĩ
dịu dàng
Nỗi buồn qua nhanh
Em áp đầu anh vào ngực
Lúc ấy anh trở thành trẻ nhỏ
Ngủ yên bình trong ánh mắt em
(Khi anh buồn)
“Tiếng vọng của dòng sông” là tiếng vọng của những hồi ức rạn vỡ, ở đó nhà thơ vừa là người trong cuộc, vừa là nhân chứng, vừa là người kể chuyện. Dù cho “Tấm thân anh bão đời quăng quật”, nhưng không vì thế mà gác kiếm, đầu hàng “Đôi mắt buồn cũng phải rực lên”. Thơ Lê Hai hào hoa, hồng loan của kiếp số. Những dòng thơ đau đáu khát vọng tình yêu và đau đời ấy sẽ có lý do để tồn tại, mách bảo chúng ta nhiều điều. Rằng một đời sống đích thực phải là một đời sống có tình yêu và khát vọng.
PK
Bài này đã được xem 1186 lần
|
Người đăng:
|
Xuân Khang
|
|
|