Poem logo
Poem logo

tiểu sử

Tác giả: Hư Vô
Hư Vô
Tên thật:
Hùng Võ
Nghề nghiệp:
Kiến Trúc Sư, Đại Học Kiến Trúc Sàigòn
Sinh quán:
An Xuyên (Cà Mau, Việt Nam)
Trú quán:
Sydney, Australia
Tác phẩm:
-Thành Phố Anh Đến, Thơ 1974
-Chúng Mình Mất Hết, Chỉ Còn Nhau, Thơ 2007
-Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu,Thơ 2010, (in chung với 5 tác giả khác)
-Người Tình Hư Vô, Thơ 2011
-Người Tình Hư Vô, CD 2011 (gồm 12 bài thơ được phổ nhạc bởi Phạm Quang Ngọc)
Sẽ in:
-Lưng Nguyệt, Thơ.
-Đường Vào Bể Dâu, Hồi Ký
-Bản Thảo Hư Vô.
******************
Thơ Hư Vô,
Ngọn Lửa Đang Cháy Bùng Trong Yên Lặng

Kiên Nguyễn

Hầu như về tất cả mọi phương diện, thế giới chúng ta sống ngày nay đã khác quá xa với thế giới đã được biểu lộ qua những dòng thơ của Hư Vô. Trong thơ của Hư Vô, Sàigòn là miền đất của những cặp tình nhân trẻ trung, yêu đời, yêu người. Thật vậy, tình yêu là một đề tài bất hủ khi ông viết về khoảng thời gian đó.

Tại em bước vội qua cầu,
Đâu hay ngọn tóc vướng vào vai anh…
(Người Tình Hư Vô)

Hoặc:

Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.
(Aó Hạ Vàng)

Đó là một thế giới tình yêu thật thà, đơn giản, thơ mộng, thủy chung, hiếm hoi và bất diệt dường như không còn thấy trong thế giới yêu đương thời hiện đại.

Đâu biết trước đời nhiều dâu bể
Chạy loanh quanh tóc đã hai màu
Tìm được lối về, trăng rơi xuống đất
Chúng mình mất hết, chỉ còn nhau
(Chúng Mình Mất Hết, Chỉ Còn Nhau)

Với phong cách phóng bút điêu luyện thơ tình của Hư Vô thủ thỉ với độc giả như những câu hò, lời ru tiếng hát không phải chỉ để tiêu khiển trong giây phút ngắn ngủi. Nó hàm chứa nhiều sự rung động của trái tim chan chứa tình yêu cùng thú đau thương tuyệt vời mà tác giả đã cho chúng ta cảm nhận được.

Cuồng say hơn rượu phạt
Uống cho đầy một hơi
Cạn ly chưa cạn cuộc
Bên môi xưa rã rời.
Em ơi, đừng bối rối
Đời còn có bao lâu
Chắc gì nụ hôn cuối
Hay chỉ mới bắt đầu.
(Lận Đận Tìm Môi Nhau)

Giống như những bài hát trữ tình, thơ của ông cô đọng được nhiều nỗi ngọt ngào cay đắng của một mối tình lãng mạn. Tình yêu là linh hồn của tác giả, trong mỗi bài thơ dường như là một hơi thở từ tâm linh giục giã gọi nhau về. Ông đã mở rộng lối để có thể quay đi hoặc bước tới trước ngưỡng cửa của tình yêu.

Sau cánh cửa là thiên đàng.
Mở ra. Lạ chỗ, bàng hoàng hương đêm,
Khép vào. Một cõi vô biên.
Giữa đường trăng mật còn thơm môi trần.
(Lạ Chỗ)

Mối tình mà ông mong đợi, như ẩn như hiện, mơ hồ ảo vọng, hình bóng “ai” như có như không, thoảng qua như bóng như vang, chốc đã trôi về phương trời biền biệt... xa thẳm…

Gửi em sợi nắng vô thường
Về phơi nhan sắc hoang đường bên song
Em hình như có. Như không
Ta nghiêng cổ xuống giữa thòng lọng cao…
(Như Không)

Hoặc:

Hồn phách chia lìa đêm lạnh cóng.
Thật có em, thật có ta không?
(Sắc Không)

Tác giả tâm sự với độc giả qua ngòi bút điêu luyện, mỗi câu thơ là một âm vang lên xuống nhịp nhàng, tha thiết, mối tình tuyệt đẹp đã từng đến và đi ngang qua cuộc đời - êm ả, cuồng bạo như một luồng gió mạnh cuồn cuộn qua một cánh đồng mênh mông rồi tan biến vào hư vô.


Tôi vo tròn sợi tóc em huyền tuyệt
Buộc lại trần ai mối gút thăng trầm
Lần mò mãi vuột tay vào vô tận
Níu áo em về một nhúm hư không!
(Valentine, Mùa Vàng Son Đã Mãn)


Nếu văn chương được thể hiện qua một cuốn tiểu thuyết dài thì độc giả có nhiều thì giờ để hiểu rõ về những nhân vật trong truyện. Người viết bỏ rất công phu để tô điểm cho những nhân vật chính trong truyện của họ. Nhưng trong một bài thơ ngắn ngủi văn chương rất là bị hạn chế bởi vì người viết cũng như người đọc chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là dành rất ít thời gian cho nhân vật trong thơ. Bởi vì sự hạn chế này thì làm sao có thể bộc lộ được nỗi buồn vô hạn của một mối tình tuyệt vọng đã không còn nữa?

Đường đã cùng đã tận
Đâu còn chỗ rút chân
Lạnh tanh dòng trăng rụng
Nguyệt khuyết dấu lưng trần...
(Động Nguyệt)

Từ một cõi riêng của Hư Vô, với ngòi bút lão luyện và tâm hồn gắn bó trong văn chương ông đã chú trọng đến giá trị nghệ thuật văn học, vẻ đẹp gợi cảm, âm điệu nhịp nhàng, trang nhã và sang trọng của từ ngữ, cùng với những dòng thơ xúc tích ông đã gói ghém và trừu tượng hóa tình yêu của ông. Những uẩn khúc của tác giả trong tình yêu đã giúp ông che đậy những vết thương lòng.

Cõng cùng cái nỗi buồn tôi
Chân chưa động đất đã còi cọc em
Đường xa lạ hoắc lạ quen
Đâu còn ai đợi mà chen chúc vào.
(Cõi Không Chân)

Những dòng thơ càng ẩn dụ chừng nào thì từ ngữ trong thơ của ông dùng càng chính xác điêu luyện chừng đó và vì thế sự đớn đau mất mát càng sâu sắc và thâm thúy. Vì những lý do đó vết thương của trái tim
tan vỡ đã được trang trải lên những bài thơ bằng những từ ngữ tượng hình, bóng bảy với âm điệu trữ tình lãng
mạn.

Hỏi ta hồn phách đong đưa
Nghiêng hai con mắt cho vừa vặn đau
Một đời chổng cẳng hư hao
Đợi trăm năm nữa có lâu lắc gì!

Ta ngồi giữa lúc ta đi
Đường trần riêng một lối về, đó em
Mất nhau chưa kịp gọi tên
Trăng khuya mãn nguyệt, miếu đền bỏ hoang…
(Đợi Trăng)

Những dòng thơ hợp lại với nhau thành một tập thơ đã kết tụ một luồng ánh sáng chiếu thẳng vào tâm hồn của tác giả, phản ảnh tình yêu của ông với một người
yêu độc nhất vô nhị - người yêu trong thơ đã cùng với tác giả rong chơi đắm say trên con đường tình ái trầm luân nghiệt ngã.

Nói tóm lại tập thơ bất hủ này đã cho tác giả một giọng nói mãnh liệt, diễn đạt được những ý tưởng thầm kín, lột tả được từng chi tiết nhỏ nhất, sống động của một ngọn lửa tưởng chừng như đã nguội tàn nhưng vẫn còn âm ỹ cháy trong tâm hồn đau đớn của tác giả với người tình qua những tháng năm dài chia cách.

Nhưng bạn hãy coi đi, tình yêu thơ mộng tuyệt vời đau đớn này sẽ còn dư âm văng vẳng mãi đến bất tận.

Kiên Nguyễn

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm