Poem logo
Poem logo

chiêu hồn nước 2

Trước đèn lần giở trang thơ cũ
Nhục nước nhà, khó ngủ yên thân
Khóc người tuổi trẻ Lý Nhân
Khi xưa dám viết “Chiêu Hồn Nước” Nam*

Không gươm súng, không ra chiến trận
Ngọn bút cùn khiến giặc sợ run
Khen thay chí sĩ anh hùng
Hy sinh mạng sống thắp bùng lửa thiêng

Phạm Tất Đắc người chiêu hồn nước
Thuở xưa người vị quốc vong thân
Hồn thiêng người hỡi về đây
Giúp cho con cháu đuổi bầy ngoại xâm

Mấy ngàn năm, con Hồng cháu Lạc
Vững non sông không phải tự nhiên
Máu đào phải tưới triền miên
Thịt xương lớp lớp oan khiên chất chồng

Xưa Đại Việt đã từng uất hận
Bị Bắc phương giày xéo bao lần
Nữ vương Trưng Triệu hiện thân
Cứu nguy dân tộc báo ân giống nòi

Hồn Ngô Lý đập tan Bắc thuộc
Hồn Trần Lê cởi bỏ xiềng gông
Hồn Quang Trung dậy non sông
Bao hồn chiến sĩ trên đồng ngoài khơi

Trung Cộng nay tinh vi xảo quyệt
Cướp nước Nam, họ quyết lấn xâm
Quân sự, kinh tế, nhân văn
Lúc “bành trướng cứng”, lúc “lan tỏa mềm”

Thời nguyên tử, họ đầy bom đạn
Mộng điên cuồng, gây nạn biển Đông
Chúng ta nước nhỏ Lạc Long
Từ bi, trí tuệ, dùng phòng chống ma

Hồn dân tộc thuở nào cũng có
Tôi gọi hồn hãy dậy mà lo
Chớ ham nệm ấm cơm no
Nhìn kìa đất nước nguy to mọi miền!

Kìa Nam Quan, Tây Nguyên gấm vóc
Hoàng, Trường Sa lãnh hải ngoài khơi
Khắp nơi đầy lũ ma trơi
Mà sao Hồn Việt rong chơi chốn nào?

Hồn tỉnh dậy mà nghe mà ngó
Đừng để loài quỉ đỏ hại dân
Tôi van hồn hãy nhận chân
Tôi nài hồn hãy ra quân giúp đời

Hồn đất nước triệu người đoàn kết
Hồn thị thành nối kết hồn quê
Nối em, nối chị, nối tôi
Nối anh lính chiến với người thường dân

Giặc dù mạnh không làm tôi sợ
Hồn ơ thờ tôi sợ lắm thay
Nước non nghiêng ngả cuồng quay
Sinh tồn sống sót? Một tay nhờ hồn!

Có những kẻ tham lam vị kỷ
Cũng có người hay chỉ bàn ngang
Có người ỷ lại ngoại bang
Xin hồn chớ nản rồi tan chí mình

Lại có loài chẳng còn nhân tánh
Đem nước non dâng bán cho người
Nước tan, nhà mất hỡi trời!
Hồn thiêng sông núi ngàn đời khóc than

Cũng họ Phạm, sao mà khác lạ?
Cùng giống nòi, lòng dạ khác xa!
Người thì “lệ nhỏ máu sa”
Kẻ cho voi đạp mồ cha mẹ mình

Tất Đắc nọ hiên ngang chống giặc
Văn Đồng kia hèn hạ phản dân
Mười Tư Tháng Chín năm xưa
Công hàm bán nước ký đưa cho Tàu

Hồn Văn Đồng về đây nghe rõ
Tội tru di bán bỏ non sông
Nếu hồn còn biết ăn năn
Mau mau dạy dỗ trông chăn đám trò

Dạy cho chúng biết đường phải trái
Bỏ bạo quyền, chống lại ngoại xâm
Giúp dân đòi lại giang sơn
Giúp giang sơn thoát những cơn hiểm nghèo

Tôi mời gọi hồn thiêng sông núi
Giống Lạc Hồng bốn biển năm châu
Mười Tư Tháng Chín năm nay
Trở về hồn hỡi ngày này biểu dương

Biểu dương rõ khắp cùng hoàn vũ
Chính nghĩa ta chống lũ ngoại xâm
Trả ta sông núi Việt Nam
Trả ta nhân phẩm ngàn năm Lạc Hồng

Phạm Tất Đắc xưa “Chiêu Hồn Nước”
“Bút viết xong … giọt ngọc nhỏ sa”
Tôi nay khóc nối lời ca
Mong sao anh chị gần xa đáp lời.

Người Tôi Thương
Ngày 21 Tháng 8, 2011

* Chiêu Hồn Nước, Nhà in Thanh Niên Hà Nội, 1927, là bài ca gồm 198 câu song thất lục bát bày tỏ tình cảnh “nước mất nhà tan ”, kêu gọi hành động khôi phục giang san nòi giống. Tác giả là nhà thơ yêu nước Phạm Tất Đắc (1909-1935) người làng Dũng Kim (nay thuộc xã Hợp Lý), huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.


Phạm Tất Đắc sinh ngày 15-5-1909, mất ngày 24-5-1935 ở Hà Nội, là con một viên thông phán làm việc ở nhà in IDEO (Imprimerie d’Extrônc orient, cũng gọi là nhà in Viễn Đông) ở Hà Nội. Năm 1923 vào học ở trường trung học thuộc địa (trường Bưởi); năm 1926 bị đuổi vì tham gia tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và hô hào bãi khoá. Ít lâu sau Phạm Tất Đắc làm và in thành sách bài thơ dài Chiêu Hồn Nước, sách vừa được phát hành đã bị cấm. Phạm Tất Đắc bị đưa ra xử tại tòa Trừng trị ở Hà Nội ngày 15-6-1927. Tòa án thực dân nghiêm khắc kết tội cuốn sách, nhưng vì tác giả mới 17 tuổi (chưa đến tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật) nên tòa quyết định giam vào nhà trừng giới cho đến tuổi trưởng thành. Phạm Tất Đắc bị đưa đi an trí ở nhà trừng giới Tri Cụ (nay thuộc xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ). Ở đây ông tiếp tục tuyên truyền chống Pháp và đứng ra tổ chức đánh giám thị nên lại bị đưa về giam ở nhà pha Hỏa Lò, Hà Nội; năm 1930 được tha nhưng vì sức yếu, Phạm Tất Đắc mất ít lâu sau đó.

Chúng ta hãy đắm hồn mình vào những lời thơ tim óc của Phạm Tất Đắc:

“Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ
Trông non sông lã chã dòng châu
Một mình cảnh vắng đêm thâu
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san”

Và lắng nghe tiếng gọi mời tha thiết của một người hết lòng yêu nước thương dân:


“…Mong hồn tỉnh hồn càng không tỉnh,
Mong hồn về hồn định không về.
Non sông hồn bỏ lời thề,
Cho non sông chịu trăm bề lầm than.
Hồn hỡi hồn! - Giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể hồn hay:
Kể từ hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc ngày ngày than than.
Cũng có kẻ trên ngàn đổ máu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Cũng người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.
Cũng có kẻ làm trâu làm ngựa,
Cũng có người đầy tớ con đòi.
Cũng thằng buôn bán giống nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn coi cho tường!...
Có mồm nói khôn đường mà nói,
Có chân tay người trói chân tay.
Mập mờ không biết dở hay,
Ù ù cạc cạc công này việc kia.

Hồn hỡi hồn! - đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe hồn có đắng cay không?
Tôi đây cũng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.
Trông thấy cảnh mà điên mà dại,
Trông thấy tình mà dại mà điên.
Mà sao không thể ngồi yên,
Ba câu gan ruột tôi biên mời hồn…”

Chiêu Hồn Nước vang vọng âm hưởng thơ văn của phong trào duy tân đầu thế kỷ XX và cũng in dấu tinh thần yêu nước và tâm trạng xót xa của lớp thanh niên học sinh những năm 1920. Chiêu Hồn Nước là tiếng nói can đảm của một người tuy còn ở tuổi vị thành niên nhưng đã đầy lòng thiết tha với vận nước.

Để đọc toàn bài, xin vào Website: http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=356335
Tiểu sử trích theo Website: http://thptlynhan-hanam.edu.vn/forum/viewtopic.php?f=40&t=3289

Ý kiến bạn đọc

TÌM KIẾM BÀI THƠ
Nhập từ khóa:
Tìm kiếm